Hạnh phúc thầm lặng sau mỗi công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, hàng loạt công trình giao thông lớn được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã từng bước tạo nên hình hài, diện mạo bề thế, hiện đại cho hạ tầng đất nước. Đằng sau dấu ấn “cán đích” của mỗi công trình là mồ hôi, nước mắt, là sự “gồng mình” để vật lộn với thiên nhiên và hàng loạt khó khăn nơi công trường của những người thợ thời 4.0.
Làm 3 ca 4 kíp, thi công xuyên đêm là chuyện thường nhật nơi công trường để các công trình kịp về đích đúng tiến độ. Ảnh: Huyền Trang
Làm 3 ca 4 kíp, thi công xuyên đêm là chuyện thường nhật nơi công trường để các công trình kịp về đích đúng tiến độ. Ảnh: Huyền Trang

Liên tục xoay xở với khó khăn

“Lúc làm thì khổ cực trăm bề, nhưng làm xong thì tự hào vô cùng” là tâm sự của ông Hoàng Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long sau hơn 4 năm lăn lộn tại công trình cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành (hay còn gọi là cầu Kinh Dương Vương, là cầu vượt sông Đuống nối hai huyện Tiên Du - Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trong vai trò chỉ huy trưởng công trường.

Ông Hải chia sẻ, cầu Kinh Dương Vương có kết cấu vòm thép cao nhất Việt Nam (có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, khánh thành tháng 10/2023) với công nghệ thi công hết sức phức tạp nên trong quá trình thi công phải vừa làm, vừa mày mò, nghiên cứu và xử lý hàng loạt vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ. Công trình khởi công cuối 2018 thì đến năm 2019 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc huy động máy móc, thiết bị và nhân lực rất khó khăn. Một số vật tư cho công trình như thép không gỉ, các phụ kiện cầu dây văng và một số thiết bị đặc chủng (kích căng kéo dây văng, cẩu 800 tấn, sà lan 8.000 tấn) phải nhập khẩu hoàn toàn, nhưng nguồn cung bị đứt đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong thời gian thi công, địa chất và thủy văn của sông Đuống cũng có thay đổi nên phương án thi công phải liên tục điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu công việc. Trước những khó khăn này, Nhà thầu phải tìm mọi giải pháp tăng nguồn lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ. “Khó khăn là vậy nhưng khi công trình được hoàn thành, hoành tráng và đẹp đẽ, chúng tôi tự hào vô cùng, cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc vì có những trải nghiệm tuyệt vời”, ông Hải chia sẻ.

Còn ông Hồ Tuấn Nhân, cán bộ của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 tâm sự, lăn lội ở các công trường lớn nhiều năm mới thấu được sự vất vả của nghề nghiệp, suốt ngày “màn trời chiếu đất”, lấy công trường làm ngôi nhà thứ hai, bởi thời gian ở công trường nhiều hơn ở nhà… Nhưng cái nghiệp nó gắn vào thân nên vẫn làm, làm đêm làm ngày, cứ ngơi việc là nhớ... Công trình này xong lại làm công trình khác, mệt mà vẫn vui. Nhất là mỗi lần thăm lại công trình hay xem đài báo, ti vi họ quay về công trình mình từng làm, trong lòng mừng lắm vì mình đã góp công sức vào những thành quả đó.

Kề vai sát cánh trong xử lý tình huống

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, Nhà thầu đang thi công khá nhiều công trình trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và liên tục phải xoay xở, xử lý khó khăn phát sinh.

Hiện nay, khối lượng công việc còn lại trên các tuyến cao tốc vẫn còn nhiều, trong khi nguồn cung vật liệu thiếu, mặt bằng thi công vẫn còn vướng mắc. Có những đoạn tuyến thi công chưa bố trí được nhà tái định cư, chưa thực hiện đền bù xong cho người dân nên họ không chịu di dời, Nhà thầu phải bỏ tiền ra thuyết phục, động viên người dân đồng ý cho thuê đất làm mặt bằng thi công. Có những mỏ đất đá đã nằm trong quy hoạch được cấp phép và giao cho Nhà thầu thực hiện nhưng đến nay (gần 1 năm trời) vẫn chưa hoàn thành thủ tục, trong khi tiến độ phải chạy từng ngày, Nhà thầu phải xoay mọi cách để có đủ vật liệu phục vụ quá trình thi công được liên tục.

Nhà thầu nào cũng phải có những cán bộ mẫn cán, tâm huyết, đội ngũ thi công “quên mình”, làm 3 ca 4 kíp thì mới kịp được tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Đó là chưa kể đến những công trình có địa chất xây dựng phức tạp như cầu Sông Gianh - cây cầu dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Bình với rất nhiều hang caster (hiện tượng đá bị xâm thực, bào mòn do nước kết hợp đất theo thời gian tạo nên). Dưới nền đất thi công, phải xử lý những hang caster, có hang sâu 80 - 90 m phải xử lý đến 4 - 5 tầng thì mới bắt đầu triển khai thi công mặt đường được. Rồi thời tiết miền Trung mưa nắng thất thường, thời gian thi công thuận lợi được rất ít, có những hạng mục nằm “treo” qua mùa mưa lũ, hoặc có những hạng mục phải đua tiến độ để “vượt lũ”… “Vượt nắng thắng mưa” là chuyện thường nhật nơi công trường để công trình có thể “cán đích” đúng kế hoạch.

Làm việc nơi công trường rất vất vả, điều kiện ăn ở tạm bợ, nên mỗi nhà thầu đều có những cách thức khác nhau để động viên và “giữ chân” những cán bộ chủ chốt của mình. Nhà thầu nào cũng phải có những cán bộ mẫn cán, tâm huyết, đội ngũ thi công “quên mình”, làm 3 ca 4 kíp thì mới kịp được tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư. Đó là chia sẻ của nhiều đại diện nhà thầu với phóng viên Báo Đấu thầu.

Ông Lương Văn Long, Giám đốc công trường của Ban Quản lý dự án Thăng Long tại Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cho biết, để kịp thời hỗ trợ nhà thầu tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Chủ đầu tư đã thực hiện phương châm “Đưa Ban Quản lý dự án về công trường”, cử các cán bộ phù hợp liên tục bám sát công trường 24/24 để xử lý ngay các vấn đề khó khăn của nhà thầu trong thẩm quyền.

Ở mỗi công trình đoạn tuyến cao tốc đều bố trí và thành lập Ban điều hành tại chỗ để cùng đơn vị tư vấn giám sát túc trực và đôn đốc nhà thầu, kịp thời tham vấn và xử lý các vấn đề chuyên môn trong quá trình thi công, đồng thời có kiến nghị và đề xuất giải pháp hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Dựa vào đường găng tiến độ tổng thể để lập biểu tiến độ chi tiết, đôn đốc nhà thầu thực hiện hoặc cảnh báo nhà thầu đối với một số hạng mục có nguy cơ chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, Ban điều hành công trường cũng hỗ trợ nhà thầu làm nhanh các thủ tục để thanh quyết toán, bảo đảm làm đến đâu được quyết toán đến đó, không để vướng mắc về thủ tục hành chính ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giúp nhà thầu duy trì và bố trí nguồn lực để tiếp tục thực hiện công trình. Nhờ sự đồng lòng, sát cánh của Chủ đầu tư với nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát, công trình Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã “vượt khó thành công”, khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp 30/4/2023.

Chuyên đề