Sáng tạo, uy tín và không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa là “tấm vé” xuất ngoại của hàng Việt. Ảnh: Lê Tiên |
Đường đi của hàng Việt
Ông Tuấn kể, sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh của Công ty lần đầu xuất hiện tại thị trường Mỹ vào năm 2008 và công trình đầu tiên là cung cấp vật liệu cho sòng bạc ở Las Vegas. Sau 2 năm bán hàng dưới thương hiệu của các nhà phân phối, năm 2010, Vicostone mới có kênh bán hàng riêng tại Mỹ. Năm 2011 là một dấu mốc đáng nhớ với Công ty khi gây dựng thành công thương hiệu đá nhân tạo Calacatta - được mệnh danh là nữ hoàng của đá trên thị trường thế giới tại thời điểm đó. Đến nay, Vicostone đã trở thành một trong 2 nhà sản xuất đá nhân tạo có công suất lớn nhất, khẳng định thương hiệu ở nhiều nước trên thế giới.
Để đạt được thành quả trong việc chiếm lĩnh thị trường thế giới, theo ông Tuấn, điều đầu tiên là kiên định sự đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó là có sự sáng tạo và sản phẩm luôn lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Đằng sau sự thành công của một sản phẩm hàng Việt luôn là một câu chuyện dài về sự vươn lên khẳng định vị thế.
Nhắc đến việc hàng Việt tích cực xuất ngoại, nhiều người thường nhắc đến Vinamilk như một câu chuyện điển hình. Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, sản phẩm của DN này đã xuất khẩu thành công đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand...
Bí quyết của DN này là gì? Theo ông Hiếu, đầu tiên là làm sao để vượt qua các nghi ngại của người tiêu dùng đối với sản phẩm sữa đến từ đất nước chưa khẳng định lợi thế về chăn nuôi bò sữa và công nghiệp chế biến. Sự đồng hành của đối tác địa phương cũng là yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong các chiến lược kinh doanh của Vinamilk.
Không chỉ Vicostone và Vinamilk, nhiều thương hiệu Việt trong các lĩnh vực dệt may, thủy sản, nhựa… đã vươn ra thế giới để mang về giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD. Thành quả này hầu hết đến từ nỗ lực sáng tạo và bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Doanh nghiệp nội tăng trưởng mạnh xuất khẩu
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 194,3 tỷ USD; trong đó có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU và Trung Quốc với kim ngạch lần lượt đạt 44,9 tỷ USD, 31,1 tỷ USD, 27,8 tỷ USD.
Bóc tách số liệu kể trên có thể thấy, lượng hàng hóa do các DN Việt Nam sản xuất (không tính DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) có sự tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, khối DN trong nước xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, máy móc thiết bị có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao. Đơn cử như dệt may tăng 10,4%, da giày tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, các mặt hàng kim loại quý, đá quý xuất khẩu tăng gấp hơn 3 lần (322,7%) so với cùng kỳ năm 2018.
Lý giải việc tăng xuất khẩu của DN trong nước, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh, năm 2019 là năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu đi vào thực thi. Các DN trong nước dần có ý thức hơn về việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định, nên xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường mới trong CPTPP đạt mức tăng tốt. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu của DN trong nước vào thị trường Canada tăng 30,9% (đạt 2,58 tỷ USD), trong đó, dệt may tăng 20%; giày dép tăng 17,8%; túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 12,9%. Xuất khẩu của DN trong nước sang Mexico tăng 25,5% (đạt 1,92 tỷ USD), trong đó, thủy sản tăng 10,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 34,3%; dệt may tăng 31,2%; giày dép tăng 9,3%...
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan thường trú Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, tăng trưởng xuất khẩu của DN trong nước ngày càng có vai trò quan trọng, cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của DN FDI, đây là tín hiệu rất tích cực. Tín hiệu này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ từ việc phụ thuộc vào các DN FDI sang phụ thuộc nhiều hơn vào DN trong nước.
Trong thời gian tới, ông Cường dự báo, xuất khẩu của DN trong nước sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa, đặc biệt trong năm 2020. Chuyên gia này phân tích, trong năm tới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, CPTPP với những quy chế chặt về xuất xứ sẽ tạo điều kiện cho DN Việt Nam tiếp cận trực tiếp với thị trường của các đối tác thương mại. “Triển vọng xuất khẩu từ việc mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường của các DN trong nước sẽ còn thuận lợi hơn nữa. Những ngành hàng có lợi thế trong xuất khẩu sẽ vẫn là nông nghiệp, giày da, lâm nghiệp (các sản phẩm chế biến từ gỗ)…” - ông Cường nhận định.
Về những khó khăn, thách thức, dưới góc độ của DN xuất khẩu, chia sẻ tại một hội thảo về xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Vietsway chỉ ra những khiếm khuyết khiến các DN trong nước thất bại khi xuất khẩu sang thị trường này. Đó là chưa hiểu biết về chính sách, thông tin, tin tức đối ngoại; không thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với nhà phân phối tại Mỹ; chưa thông thạo các quy định hải quan; không kiểm soát chất lượng sản phẩm; không tính được chi phí logistics.
Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện DN này cho biết, khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các DN có thể lựa chọn xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp (qua khâu trung gian, doanh nghiệp có thể sử dụng kênh phân phối tại Mỹ, đại diện tại Mỹ, hoặc ủy thác cho công ty xuất nhập khẩu hàng hóa). Nếu lựa chọn hình thức xuất khẩu trực tiếp thì DN sẽ có nhiều lợi ích về thị trường, khách hàng, có kinh nghiệm về xuất nhập khẩu hàng hóa; kinh nghiệm về hệ thống bán hàng online. Tuy nhiên, lựa chọn hình thức này, DN phải thực hiện rất nhiều thủ tục, đồng thời gặp các rủi ro nếu sản phẩm không bán được, khách trả hàng; phải đầu tư nhân lực và vốn. Còn nếu sử dụng hình thức ủy thác xuất nhập khẩu, DN sẽ giảm thiểu được rủi ro trong vận chuyển và mở rộng được thị trường xuất khẩu.