Việc “băm nát” công tác sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ thành các tiểu dự án BOT sẽ dẫn đến vi phạm khoảng cách đặt trạm thu phí. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều vị trí đặt trạm không thuận lợi
Theo lý giải của Bộ GTVT, sở dĩ hàng chục trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường là do địa hình vị trí đặt trạm đảm bảo khoảng cách 70 km không thuận lợi. Trong tổng số 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ thì có 10 trạm có khoảng cách từ 60 - 70 km, 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT. Thông tư 159/2013/TT-BTC quy định, đường bộ đặt trạm thu phí mà khoảng cách giữa các trạm thu phí đảm bảo tối thiểu 70 km thì do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí mà khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất ý kiến của UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định.
Dẫn chứng cho việc không thể đặt trạm đảm bảo khoảng cách 70 km, Bộ GTVT đã lấy ra 3 ví dụ về trạm thu phí BOT bị ảnh hưởng bởi phạm vi khu đô thị. Cụ thể, trạm Tiên Cựu thuộc Dự án Quốc lộ 10 cách trạm Tân Đệ 57 km, nếu đặt trạm đảm bảo khoảng cách lớn hơn 70 km thì trạm sẽ nằm trong địa phận thành phố Hải Phòng và không tận dụng mặt bằng trạm Tiên Cựu cũ. Ví dụ khác là trạm Km56+450 Quốc lộ 51 (trạm T3) cách trạm Km11+00 (trạm T1) là 45 km, nếu đặt trạm đảm bảo khoảng cách 70 km thì trạm nằm trong địa phận thành phố Biên Hòa. Tương tự, trạm Tam Kỳ Km998 Quốc lộ 1 thu phí hoàn vốn cho Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ đã có quyết định dừng thu phí từ ngày 11/6/2015. Và để không phải phát sinh kinh phí tháo dỡ trạm cũ, xây trạm mới dẫn đến kéo dài thời gian thu, Bộ GTVT giữ nguyên trạm Tam Kỳ để chuyển sang thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Km987-Km1027, tỉnh Quảng Nam…
Bộ GTVT khẳng định, trong quá trình thực hiện, Bộ đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục liên quan đến việc xác định vị trí trạm thu phí, đã lấy ý kiến và có sự thỏa thuận với địa phương, được Bộ Tài chính chấp thuận…
Lý do có thực sự thuyết phục?
Một đại diện Hiệp hội Vận tải cho biết, mặc dù quy định về khoảng cách đặt trạm thu phí BOT tối thiểu là 70 km còn có nhiều việc phải bàn, vẫn tiềm ẩn những kẽ hở trong đó, song nó cũng góp phần đảm bảo duy trì mật độ trạm thu phí BOT không quá dày đặc trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định về khoảng cách đặt trạm tối thiểu 70 km này đã được “xé rào”, “lách luật”, nhiều tuyến quốc lộ bị “băm nhỏ” bởi các trạm thu phí mà khoảng cách giữa các trạm chỉ từ 20 - 30 km. Quá trình lấy ý kiến địa phương về vị trí đặt trạm vi phạm khoảng cách tối thiểu lại chủ yếu giao cho các cơ quan chuyên môn chủ trì thỏa thuận, không tham vấn, lấy ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và đối tượng người dân sử dụng… Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chính quyền địa phương không cương quyết thì việc nhà đầu tư “xé rào”, vận dụng tối đa các kẽ hở pháp luật để trục lợi là điều đương nhiên. Đó cũng là nguyên nhân vì sao mà trạm thu phí mọc dày đặc trên các tuyến quốc lộ thời gian qua, khiến người dân, các phương tiện lưu thông qua các tuyến đường BOT phải oằn mình gánh phí.
Còn Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Kỳ Sơn cho rằng, con số về khoảng cách đặt trạm tối thiểu là 70 km có thể mang tính tương đối vì còn phụ thuộc vào các đặc thù của dự án, tình hình triển khai thực tế… Tuy nhiên, hàm chứa của quy định về cự ly đặt trạm tối thiểu nói trên là nhà đầu tư phải đầu tư, nâng cấp, sửa chữa tuyến đường tối thiểu 70 km mới được đặt trạm thu phí, song trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư sửa chữa tuyến đường có chiều dài 20km, 30km, 40km… vẫn được đặt trạm thu phí. Việc “băm nát” công tác sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ thành các “tiểu” dự án BOT tất yếu sẽ dẫn đến việc vi phạm khoảng cách đặt trạm thu phí cũng như sự phát triển tràn lan các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ.