Hàng loạt DN “xin khất” lãi và nợ gốc trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu từ FiinGroup, hơn 205.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm nhóm ngân hàng) sẽ đáo hạn trong năm 2023. Hơn một nửa trong số đó là trái phiếu của khối doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS). Trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm, nhiều doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn khi lịch đáo hạn cận kề.

Mới đây, “ông lớn” BĐS phía Nam là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đã thông báo lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lãi, gốc hai lô trái phiếu với tổng số tiền gần 1.080 tỷ đồng. Tập đoàn này cho biết, nguyên nhân là chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán. Tính đến ngày 17/2/2023, Novaland chưa thanh toán lãi gần 26,5 tỷ đồng đối với lô trái phiếu NVLH2224005; chưa thanh toán lãi 53,2 tỷ đồng và gốc 1.000 tỷ đồng đối với lô trái phiếu NVLH2123009 (ngày thanh toán theo kế hoạch là 13/2).

Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC) cũng vừa có báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu TDC.BOND.2020.700. Lô trái phiếu có mệnh giá 700 tỷ đồng, đáo hạn ngày 15/11/2025. Từ ngày 15 - 22/2/2023, Becamex TDC phải thanh toán 23,82 tỷ đồng lãi đến hạn. Theo đó, ngày 15/2/2023, Công ty đã thanh toán 7 tỷ đồng, số tiền chưa thanh toán là hơn 16,8 tỷ đồng. Becamex TDC đưa ra phương án hoàn thành thanh toán trước ngày 23/3/2023, tức là lùi 1 tháng.

Becamex TDC cho biết, sẽ thanh toán phần lãi còn lại và tiền phạt lãi chậm trả tính đến ngày thanh toán. Lý do là tình hình giao dịch BĐS thời gian qua rất chậm, ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh. Thị trường BĐS ảm đạm cũng khiến Becamex TDC ghi nhận mức lỗ kỷ lục 104,4 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Giá trị gốc trái phiếu doanh nghiệp phải thanh toán theo năm

Phân kỳ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho thấy áp lực nợ đáo hạn cao

Phân kỳ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho thấy áp lực nợ đáo hạn cao

Một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực BĐS và xây dựng dân dụng là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 đã phải tiến hành họp trái chủ để tìm sự đồng thuận lùi thời gian thanh toán gốc và lãi trái phiếu 118,7 tỷ đồng thêm một năm, đến ngày 27/10/2023. VINA2 cam kết chi trả phần lãi phát sinh, được tính bằng 150% lãi suất công bố. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, số dư tiền mặt và gửi ngân hàng của Công ty cuối năm 2022 chỉ còn 26,85 tỷ đồng, giảm 89,15 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trước áp lực lớn về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS đã thông báo chậm thanh toán tiền lãi và gốc trái phiếu cho trái chủ.

Có thể kể đến Công ty TNHH BĐS Gia Phú xin chậm thanh toán 3,2 tỷ đồng tiền lãi đến hạn ngày 13/2/2023; Công ty CP Fuji Nutri Food hoạt động chính trong lĩnh vực BĐS xin chậm thanh toán số tiền lãi 25,2 tỷ đồng (đến hạn ngày 12/2/2023); Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nice Star xin chậm thanh toán số tiền lãi 51 tỷ đồng (đến hạn ngày 13/1/2023); Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Seaside Homes thông báo chưa thể thu xếp kịp nguồn thanh toán hơn 51 tỷ đồng tiền lãi cho các trái chủ vào ngày 13/1/2023; Công ty CP Lavida Invest xin được thanh toán số tiền trái phiếu 62 tỷ đồng theo nhiều đợt vào các tháng 3, 4, 5 năm 2023. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex, Công ty CP BCG Energy (thành viên của Công ty CP Bamboo Capital), một doanh nghiệp tại Vũng Tàu…

Ông Lê Trọng Khang, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings nhận định, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 là rất lớn, đặc biệt là quý III và IV. Năm 2024, dư nợ đáo hạn còn lớn hơn. Đây là thách thức không nhỏ đặt ra cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khả năng trả nợ của doanh nghiệp suy giảm. Tương tự, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng yếu đi nhiều, vì vậy sẽ khó thuyết phục chủ nợ, nhà đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.

Cũng theo ông Khang, trong năm 2023, các nhóm doanh nghiệp có năng lực tín dụng yếu kém nhiều khả năng mất khả năng thanh khoản và buộc phải làm việc với chủ nợ, trái chủ để tái cấu trúc kỳ hạn trả nợ. Đối với doanh nghiệp có ngưỡng tín dụng khá và tốt thì có nhiều lựa chọn hơn, hoặc có thể thu hẹp kinh doanh, mua lại trái phiếu trước kỳ hạn, chờ đợi tín hiệu tích cực hơn từ vĩ mô, hoặc chủ động trong mua bán, sáp nhập.

Chuyên đề