Hạn chế tối đa chỉ định nhà đầu tư dự án PPP

(BĐT) - Chỉ định nhà đầu tư dự án BOT, BT chiếm đa số trong giai đoạn vừa qua được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy về sau đối với các dự án này. Nếu tăng cường đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh thực sự, chắc chắn hiệu quả sẽ được nâng lên và những mặt trái của dự án BOT, BT sẽ được hạn chế rất nhiều.
Dự thảo Luật PPP quy định, dự án do nhà đầu tư đề xuất phải được tổ chức đấu thầu rộng rãi. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật PPP quy định, dự án do nhà đầu tư đề xuất phải được tổ chức đấu thầu rộng rãi. Ảnh: Lê Tiên

Giai đoạn 2011 - 2015, hầu hết dự án BOT, BT đều chỉ định nhà đầu tư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra, việc áp dụng chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2018, số lượng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư còn chiếm tỷ lệ rất cao. Trong tổng số 71 dự án PPP đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư, có tới 48 dự án chỉ định nhà đầu tư, chiếm tỷ lệ 69%. Đặc biệt với dự án BT, tỷ lệ áp dụng chỉ định thầu lên đến 94% (34/36 dự án BT áp dụng chỉ định nhà đầu tư). Hầu hết các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đều với lý do “chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển”. Đây là biểu hiện khá rõ ràng của việc đấu thầu hình thức các dự án.

Theo Dự thảo Luật PPP, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu chỉ được áp dụng đối với dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước; hoặc phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Và các dự án này phải đáp ứng các điều kiện cụ thể, chặt chẽ.
Bộ KH&ĐT đánh giá: “Việc phần lớn các dự án áp dụng chỉ định nhà đầu tư với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển và không có nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn cho thấy, các dự án PPP chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là các dự án chưa được nghiên cứu kỹ, công khai thông tin thiếu minh bạch, tính khả thi không cao, khiến nhà đầu tư e dè, nghi ngại. Từ đó làm giảm cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, hiệu quả dự án kém do chọn nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án”.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, đối với dự án PPP, các nước rất hạn chế chỉ định nhà đầu tư. Nếu dự án đưa ra đấu thầu rộng rãi không có sự quan tâm của nhà đầu tư, sẽ xem xét lại dự án.

Luật sư Lê Nết, Trưởng Văn phòng Luật LNT & Partners nhấn mạnh tầm quan trọng của đấu thầu như là giải pháp không thể khác để định giá đúng công trình, dự án PPP. Đặc biệt, với loại hợp đồng BT, việc chủ yếu áp dụng chỉ định thầu thời gian qua đã dẫn đến tổng chi phí đầu tư và giá trị đất đều không rõ ràng. Vì thế, theo ông Lê Nết, nếu duy trì hình thức đầu tư BT tại Luật PPP thì nên có quy định bắt buộc phải đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, không chấp nhận chỉ định thầu.

Theo Dự thảo Luật PPP, điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu được quy định rất chặt chẽ. Việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu chỉ được áp dụng đối với dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước; hoặc phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Với trường hợp 1 thì phải đáp ứng các điều kiện: có báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh, ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành đối với yêu cầu về bảo đảm bí mật nhà nước. Với trường hợp 2, việc chỉ định thầu cần phải có ý kiến thống nhất của bên cho vay, và chỉ thực hiện khi không thể áp dụng được đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế...

Đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, Dự thảo Luật PPP quy định phải được tổ chức đấu thầu rộng rãi. Đối với dự án BT, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, dự án chỉ được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán. Như vậy, thông tin về dự án BT khi đưa ra đấu thầu đã khá đầy đủ, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tham dự thầu.             

Bên cạnh quy định về chỉ định nhà đầu tư, việc xây dựng Luật PPP với những cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, tạo hành lang pháp lý cao nhất, đảm bảo tính ổn định, hạn chế sự điều chỉnh chính sách cũng được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia dự án PPP hơn, từ đó tăng tính cạnh tranh, giảm chỉ định thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư