Hai trụ cột hỗ trợ DNNVV phục hồi, phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19 cũng như tham gia chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Tại Hội thảo Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) và tiếp cận tài chính cho DNNVV tổ chức ngày 26/7, nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là 2 trụ cột hỗ trợ DNNVV vượt qua thách thức và tăng tốc phục hồi, phát triển.
Để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần chi phí đầu tư lớn cho công nghệ, tư vấn và đào tạo lại nhân sự. Ảnh: Nhã Chi
Để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần chi phí đầu tư lớn cho công nghệ, tư vấn và đào tạo lại nhân sự. Ảnh: Nhã Chi

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến thị trường nguyên vật liệu, chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trong bối cảnh đó, CĐS và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp DN ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Ông Hùng nhấn mạnh, nếu không được tiếp sức, hỗ trợ kịp thời để thích ứng và phục hồi thì nguy cơ tụt hậu của DN Việt ngày càng cao.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển DN, Bộ KH&ĐT luôn tiên phong đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính ban hành kịp thời các quyết sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN thích ứng và phục hồi trong bối cảnh Covid-19.

Thời gian qua, Cục Phát triển DN phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (LinkSME) triển khai Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho DNNVV.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy CSĐ và khơi thông dòng vốn cho DNNVV, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây chính là giải pháp góp phần tăng “kháng sinh” cho nền kinh tế, đặc biệt là khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của mỗi DN.

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 DN đã được tiếp cận tài liệu hướng dẫn CĐS, hơn 600 DN được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 DN được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về CĐS. Bên cạnh hỗ trợ DNNVV về CĐS, Cục Phát triển DN và Dự án USAID LinkSME cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 DNNVV, trong đó, 14 DN đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

Tuy vậy, theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN, quá trình CĐS cũng như tiếp cận tài chính của các DNNVV vẫn gặp khó khăn, thách thức. Theo bà Thủy, trong CĐS, dù số lượng DNNVV đông, song năng lực hạn chế, vốn nhỏ chỉ khoảng 10 - 15 tỷ đồng/DN. Trong khi đó, muốn thúc đẩy CĐS thì cần chi phí đầu tư lớn cho công nghệ, thời gian thuê tư vấn, đào tạo lại nhân sự. Bản thân DN lo sợ vấn đề bảo mật thông tin, lúng túng khi lựa chọn giải pháp phù hợp và vẫn có tâm lý ngại đổi mới…

Về tài chính, hiện nay, phần lớn DNNVV tiếp cận nguồn tài chính không chính thống (75%), chỉ 25% tiếp cận nguồn chính thống. Năng lực tiếp cận, quản lý tài chính của các chủ DNNVV chưa cao…

Nhằm tăng sức đề kháng cho các DNNVV trước khó khăn, thách thức, tại Hội thảo, hai nền tảng thông tin số tại địa chỉ digital.business.gov.vn và a2f.business.gov.vn tích hợp các công cụ, báo cáo, tài liệu liên quan tới CĐS và tiếp cận tài chính đã được giới thiệu tới các DN. Qua đó, DNNVV có thể dễ dàng tiếp cận các công cụ và tài liệu, đồng thời, tham gia trực tiếp vào hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và kết nối với các nguồn tài chính mới phù hợp với năng lực của DN.

“Với gói “combo” này, các DNNVV có cơ hội thúc đẩy CĐS và khơi thông “mạch máu” tài chính để phát triển”, ông Toản nhìn nhận và cho rằng, đây là sự hỗ trợ cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước trong vai trò đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thách thức, cùng nhau phát triển đất nước.

Cũng tại Hội thảo, đại diện đến từ các tổ chức tài chính, hỗ trợ kỹ thuật như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, VNPT Vinaphone… cho biết, các đơn vị này đều có những gói tín dụng ưu đãi cũng như hoạt động hỗ trợ kỹ thuật dành riêng cho khách hàng là các DNNVV.

Ở góc độ DN, ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Hanpo Vina cho biết, để có thể tiếp cận các hỗ trợ này thì bản thân DN phải chủ động kết nối thể tìm kiếm các cơ hội và chủ động thích ứng. “Đây là điều rất quan trọng”, ông Phương nhấn mạnh.

Chuyên đề