Hải Phát Invest đối mặt với nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh doanh lao dốc, lợi nhuận trông vào chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, thiếu hụt dòng tiền, nhiều chỉ số tài chính đã chỉ ra rằng Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán HPX) đang gặp nhiều khó khăn.
6 tháng đầu năm 2020, Hải Phát Invest đạt 636 tỷ đồng doanh thu và 56 tỷ đồng lợi nhuận. Ảnh: Thanh Hoa
6 tháng đầu năm 2020, Hải Phát Invest đạt 636 tỷ đồng doanh thu và 56 tỷ đồng lợi nhuận. Ảnh: Thanh Hoa

Kinh doanh trượt dốc

Cách đây 2 năm, Hải Phát Invest tổ chức buổi roadshow giới thiệu cơ hội mua cổ phiếu HPX. Ở thời điểm đó, nhiều công ty chứng khoán đánh giá mức giá tham chiếu ngày đầu ra mắt 26.800 đồng/CP của HPX khá hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy nhiên, sau khi niêm yết (năm 2018) cũng là lúc Công ty bắt đầu trượt dốc không phanh. Cụ thể, năm 2017, Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 325 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tiếp tục tăng gấp 2 lần, đạt hơn 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh, đạt 452 tỷ đồng.

Năm 2019, Hải Phát Invest kỳ vọng doanh thu 4.300 tỷ đồng, và lợi nhuận 720 tỷ đồng, các chỉ số này gấp đôi so với thực hiện năm 2018. Song, kết thúc năm 2019, lợi nhuận ghi nhận ngang bằng với năm 2018 (453 tỷ đồng), không đạt chỉ tiêu đề ra.

Năm 2020, lãnh đạo Hải Phát Invest cũng bày tỏ tham vọng đạt doanh thu thuần 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận 950 tỷ đồng, nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Công ty chỉ đạt 636 tỷ đồng, trong khi 6 tháng trước đó đạt gần 1.200 tỷ đồng. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Hải Phát Invest đạt vỏn vẹn 56 tỷ đồng.

Rút khỏi nhiều công ty con, liên kết

Lợi nhuận của Hải Phát Invest đến từ đâu cũng là điều đáng bàn. Doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty trong kỳ ghi nhận 137,7 tỷ đồng, tăng 28% so với cuối năm 2019, chủ yếu là lãi từ chuyển nhượng cổ phần và chuyển nhượng vốn góp hợp tác đầu tư. Lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ 125 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay lên đến 110 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 52 tỷ đồng, chi phí bán hàng 10 tỷ đồng.

Chi tiết các khoản chuyển nhượng của Hải Phát Invest gồm: tháng 3/2020, Công ty chuyển nhượng toàn bộ vốn góp hợp tác tại Dự án Khu đô thị sinh thái Tây Nam Bà Rịa - Vũng Tàu và toàn bộ cổ phần trong Công ty CP Đầu tư Đại Đông Á và một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đường sắt.

Mới đây nhất, Hải Phát Invest chuyển nhượng toàn bộ 50,5% vốn điều lệ tại Công ty CP Khách sạn và Nghỉ dưỡng IWG cho một bên thứ ba. IWG là bước đi tham vọng của doanh nghiệp này khi lấn sân vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Công ty còn thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Địa ốc Châu Sơn, công ty con do Hải Phát Invest đang nắm giữ 100% vốn.

Kinh doanh sa sút, việc rút khỏi hàng loạt công ty con, công ty liên doanh, liên kết là động tác tái cơ cấu danh mục đầu tư hay chỉ đơn thuần là làm đẹp chỉ số lợi nhuận? Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Hải Phát Invest có khởi sắc hay không vẫn là một dấu hỏi chờ thời gian trả lời.

Thiếu hụt dòng tiền

Tổng tài sản của Hải Phát Invest tính đến cuối tháng 6/2020 là 6.450 tỷ đồng, trong đó riêng tài sản ngắn hạn là 4.309 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm một khoản không nhỏ là 1.889 tỷ đồng. Đáng lưu ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Hải Phát Invest âm 307,2 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ đạt 233 tỷ đồng, chỉ chiếm 1/18 tài sản ngắn hạn và bằng 1/10 vay nợ ngắn hạn .

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, để có vốn đầu tư, Hải Phát Invest phải huy động qua nhiều kênh từ vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu… Tính đến thời điểm 31/6, tổng các khoản vay nợ tài chính của Hải Phát Invest ở mức 2.069 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trái phiếu và vay ngân hàng.

Trong kỳ, Hải Phát Invest đã mang một loạt dự án cầm cố tại các ngân hàng khác nhau. Trong đó bao gồm một phần Dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc Dự án The Seahara Tuy Hòa, Phú Yên tổng cộng 101 tỷ đồng. Công ty còn mang quyền tài sản phát sinh từ một số căn thuộc Dự án Hải Phát Plaza tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội; bất động sản tại Dự án Khu nhà ở Phú Hài, Phan Thiết; cổ phần tại Hải Phát Thủ Đô; quyền sử dụng đất là sàn thương mại tại Dự án The Pride để vay ngân hàng 254 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty cũng phát hành thành công 893 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất dao động 10 - 11%, tài sản bảo đảm là một số căn biệt thự tại Dự án Hải Phát Plaza, sàn thương mại của The Pride, sàn thương mại Dự án Roman Plaza, quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng mua bán Roman Plaza… Như vậy, tính đến cuối tháng 6/2020, Hải Phát Invest đã huy động tổng cộng 1.700 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Việc huy động vốn chắc chắn sẽ ngày càng khó khăn hơn khi kênh phát hành trái phiếu bị siết từ ngày 1/9/2020, vốn từ ngân hàng bị hạn chế, thị trường chứng khoán khó gọi vốn khi làn sóng Covid-19 ập đến. Hoạt động bán hàng gặp khó, tồn kho cao, thị trường bất động sản trong cơn khủng hoảng, có thể nói, Hải Phát Invest sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Chuyên đề