Hai “ông lớn” ngành phân bón: Lãi lớn vẫn đặt mục tiêu dè dặt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau) đã công bố kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2021. Giá phân đạm (urê) tăng cao kể từ năm 2021 là tiền đề giúp 2 doanh nghiệp lớn trong ngành phân bón ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan bất chấp Covid-19. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này lại đặt kế hoạch kinh doanh rất thận trọng trong năm 2022.
Diễn biến giá urê toàn cầu
Diễn biến giá urê toàn cầu

Theo đó, Phân bón Cà Mau ước đạt tổng doanh thu 10.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.823 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp 2,7 lần so với năm 2020. Công ty cho biết đây là kết quả kinh doanh cao nhất trong 10 năm hoạt động vừa qua. Lợi nhuận khởi sắc xuất phát từ việc giá bán sản phẩm urê liên tục tăng thời gian qua, riêng trong quý III/2021 tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm qua, Nhà máy Phân bón Cà Mau vận hành với công suất đạt 110%, sản lượng ước đạt 898,56 nghìn tấn urê quy đổi, vượt 3% kế hoạch điều chỉnh cả năm. Sản lượng tiêu thụ ước đạt 1.017,9 nghìn tấn, tăng 9,3% so với năm 2020.

Về phía Đạm Phú Mỹ, lợi nhuận trước thuế năm vừa qua cũng ở mức kỷ lục 3.600 tỷ đồng, gấp 4,25 lần con số thực hiện năm 2020. Tổng doanh thu tăng trưởng 63%, đạt 12.826 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất cả năm 2021 đạt khoảng 1.035 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại. Trong đó, 2 sản phẩm chính là đạm ước đạt trên 792 nghìn tấn, tương ứng 103% kế hoạch năm và NPK trên 162 nghìn tấn, tương ứng 108% kế hoạch năm và tăng trưởng 41% so với năm 2020. Sản lượng kinh doanh trong năm 2021 ước đạt trên 1.263 nghìn tấn phân bón, hóa chất các loại, nổi bật là kinh doanh NPK ước đạt gần 151,5 nghìn tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020; đạm ước đạt 740,7 nghìn tấn.

Urê là loại phân bón phổ biến cho nông nghiệp và cũng được sử dụng cho mục đích công nghiệp. Giá urê toàn cầu bắt đầu tăng từ đầu năm 2021, sau khi giá dầu Brent tăng trong quý IV/2020. Giá urê tiếp tục cho thấy đà tăng tích cực trong nửa đầu năm 2021 và đặc biệt tăng mạnh trong quý II/2021 do giá dầu thô cao hơn, gián đoạn nguồn cung và nhu cầu nông sản cao. Trong tháng 7 và tháng 8/2021, giá urê đã giảm khoảng 5 - 10%, trước khi tăng trở lại từ cuối tháng 9/2021 khi Trung Quốc đưa ra kế hoạch hạn chế xuất khẩu urê để bảo đảm cung cấp cho tiêu dùng trong nước.

Giá urê toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong tháng 10 và tháng 11/2021 so với giá trung bình trong quý III, do nhu cầu ổn định trên toàn thế giới. Ngoài ra, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc và thiếu khí đốt ở EU, giá khí đốt kỷ lục ở EU và châu Á cùng với việc tiếp tục gián đoạn nguồn cung do dịch Covid-19 đã góp phần làm tăng giá urê. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp Đạm Phú Mỹ và Phân bón Cà Mau ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong năm vừa qua.

Năm 2022, hai doanh nghiệp trên đều đưa ra kế hoạch thận trọng. Trong đó, Đạm Phú Mỹ dự kiến tổng doanh thu đạt 11.059 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 1.130 tỷ đồng, bằng 31% so với kết quả thực hiện năm 2021. Đối với Đạm Cà Mau, tổng doanh thu dự kiến đạt 9.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt ở mức 542 tỷ đồng và 512 tỷ đồng.

Về triển vọng giá urê trong năm 2022, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt dự báo giá trung bình vào năm 2022 đạt 625 USD/tấn, tăng 25% so với năm 2021 do hiệu suất hoạt động của các nhà máy urê trên toàn cầu có khả năng thấp hơn trong khi triển vọng nhu cầu năm 2022 vẫn cao. Bên cạnh đó là sự gián đoạn nguồn cung do Covid-19, giá khí đốt cao ở châu Âu (ngay cả khi Nga đưa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vào vận hành thương mại, giá khí đốt vẫn có thể ở mức cao do vị thế độc quyền của Nga) và động lực giảm khí thải nhà kính của Trung Quốc.

Chuyên đề