Ảnh Internet |
Hai ông lớn của ngành nhựa Việt Nam là Công ty CP Nhựa Tiền Phong và Công ty CP Nhựa Bình Minh sẽ cạnh tranh ra sao trên sân nhà?
Hai “đại gia” ngành nhựa vẫn lãi khủng
Trong số 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất nhựa hiện nay, nổi bật là hai ông lớn Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP). Nhựa Tiền Phong thống lĩnh thị phần miền Bắc với tỷ lệ 60% và thị phần cả nước khoảng 29%, trong khi Nhựa Bình Minh dẫn đầu thị trường miền Nam với thị phần gần 50%. Kết thúc năm 2016, hai “ông lớn” này đều báo lãi khủng.
Đối với Nhựa Bình Minh, năm 2016, Công ty đạt 3.308 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với năm 2015. Chi phí bán hàng tăng tới 32%, từ 126 tỷ đồng năm 2015 lên 167 tỷ đồng năm 2016 là nguyên nhân chính làm cho lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ tăng 21% trong năm 2016, đạt 627 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng từ 10.317 đồng lên 13.796 đồng. Hiện tại cổ phiếu BMP vẫn thuộc một trong ba cổ phiếu có giá trị cao nhất thị trường chứng khoán với giá trị giao dịch quanh mốc 190.000 đồng/cổ phiếu.
So với đối thủ, Nhựa Tiền Phong có doanh thu và lợi nhuận khiêm tốn hơn. Cuối năm 2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 4.354 tỷ đồng và 397 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% và tăng 8,5% so với năm 2015. EPS tăng từ 4.532 đồng lên 5.346 đồng. Mặc dù có doanh thu cao hơn Nhựa Bình Minh, nhưng lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong lại thấp hơn hẳn so với Nhựa Bình Minh (397 tỷ so với 627 tỷ đồng). Giải thích cho sự khác biệt này là khoản chi phí bán hàng. Khoản chi phí này của Nhựa Tiền Phong cao gấp 5 lần so với của Nhựa Bình Minh do công ty này luôn duy trì mức tỷ lệ chiết khấu cao như: 15 - 19% cho sản phẩm ống nhựa và phụ kiện PVC, 55% cho sản phẩm ống nhựa và phụ kiện PPR.
Nỗi lo thâu tóm
Cùng với sự hồi phục và tăng trưởng của ngành bất động sản và nhu cầu nhà ở tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành nhựa xây dựng được dự báo tăng cao trong năm 2017. Hiện tại thị phần mảng nhựa xây dựng chỉ chiếm 18,2%, nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất cao, đạt 15 - 20%/năm.
Giá dầu đột ngột quay đầu giảm xuống dưới 50 USD do lượng cung dầu thô của Mỹ ghi nhận kỷ lục cùng với sự hoài nghi về một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung mới của các nước thành viên OPEC và của nhiều nước khác cũng là một yếu tố tích cực cho ngành nhựa. Khi giá dầu giảm kéo theo giá hạt nhựa giảm, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp cho các DN nhựa nội địa.
Room khối ngoại đối với DN nhựa không hạn chế, có thể lên đến 100% cũng là lý do khiến các DN ngành nhựa trở nên hấp dẫn không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà đối với cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhựa Tiền Phong cũng đã mua lại toàn bộ 2,1 triệu CP của các cổ đông Công ty TNHH Thương mại nhựa Năm Sao để phát triển nhà máy chuyên sản xuất ống nhựa HDPE với công suất 40.000 tấn/năm. Dự kiến, cuối năm 2017, nhà máy này sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Nhựa Bình Minh thông qua kế hoạch mua lại 70,95% CP còn lại của Công ty CP Nhựa Đà Nẵng để nắm giữ 100% CP nhằm mở rộng hoạt động tại thị trường miền Trung.
Nổi bật trong số các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào ngành nhựa là Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan. Nhà đầu tư này hiện đang sở hữu bao bì Tín Thành (Batico), một trong năm DN lớn nhất ngành bao bì nhựa. Không chỉ có vậy, SCG còn có tới 23,8% CP tại Nhựa Tiền Phong và 20,4% CP tại Nhựa Bình Minh. Ngoài ra, SCG còn nắm giữ CP tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.
Không chỉ có người Thái, Công ty Oji Holding Corporation của Nhật cũng đã mua Công ty Bao bì United, hay Sagasiki Vietnam mua Công ty CP In và Bao bì Goldsun. Gần đây, một tổ chức đầu tư của Nhật là RISA Partners cũng ngỏ ý muốn trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Nhựa dân dụng Đông Á. Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems cũng đã mua lại cùng lúc 2 DN lớn là Bao bì nhựa Tân Tiến và Bao bì nhựa Minh Việt - vốn là công ty bao bì thuộc Masan Group.
Có thể nhận thấy, các DN ngoại này thường lựa chọn cách thức liên doanh để góp vốn và tạo ảnh hưởng lên thị trường thay vì phải xây dựng thương hiệu từ đầu. Việc thâu tóm trọn các DN sản xuất, chế biến từ mua vốn của SCIC sau khi thoái, hay mua đứt các DN nhỏ dự báo sẽ tiếp tục diễn ra với lợi ích đến từ việc tiết kiệm chi phí tìm hiểu thị trường, tận dụng nguồn lực trong nước, đồng thời để khai thác nhu cầu tiêu thụ của chính thị trường nội địa. Làn sóng này sẽ diễn ra mạnh mẽ để đón đầu các hiệp định thương mại tự do, chuẩn bị cho xuất khẩu.
Nằm trong kế hoạch thoái vốn của SCIC, Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong liệu có trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài?