Hai kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp ngành thép

(BĐT) - Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành thép Việt Nam. Báo cáo cho biết, dịch đã tác động đến ngành thép, khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong ngành đều giảm sút mạnh, thậm chí thua lỗ. VSA đã có kiến nghị gỡ khó cho DN trong ngành.
Giá thép xây dựng có xu hướng giảm, trong khi giá một số nguyên liệu sản xuất lại có xu hướng tăng do hạn chế nguồn cung. Ảnh: Lê Tiên
Giá thép xây dựng có xu hướng giảm, trong khi giá một số nguyên liệu sản xuất lại có xu hướng tăng do hạn chế nguồn cung. Ảnh: Lê Tiên

Theo VSA hiện tình hình sản xuất kinh doanh của các DN ngành thép đang gặp nhiều khó khăn do tác động cuả dịch Covid-19. Trước hết, dịch đã làm tắc nghẽn thị trường lưu thông hàng hóa. Hiện nhiều công trình và các dự án đầu tư xây dựng sử dụng đến mặt hàng thép đều bị dừng thi công. Một số nhà máy thép có cán bộ, công nhân trong vùng dịch và các vùng lân cận cũng phải dừng, tiết giảm sản xuất do lao động chưa ổn định hoặc do gián đoạn nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Về diễn biến giá cả, VSA cho hay, trong 2 tháng đầu năm, do nhu cầu yếu nên giá thép xây dựng có xu hướng giảm, trong khi giá một số nguyên liệu sản xuất lại có xu hướng tăng do hạn chế của nguồn cung từ Trung Quốc (than cốc, quặng sắt, than điện cực..). Chưa hết, cũng trong lúc thị trường ảm đạm, tồn kho thành phẩm ngày càng tăng, nhưng lãi vay ngân hàng vẫn phải trả, chi phí bảo quản và lưu kho bãi tăng khiến DN thép khó khăn chồng chất…

Một trong số DN thép chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid -19 được VSA nhắc tới là Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM). Lý do là VTM ở gần biên giới Việt Trung, phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại giữa hai bên. Đến thời điểm này, tồn kho than cốc của VTM rất thấp, không đáp ứng nhu cầu sản xuất tạo áp lực đến hoạt động sản xuất tiêu thụ của đơn vị ngay trong quý I này.

Số liệu của VSA ghi nhận, ngay trong tháng 1/2020, thị trường thép trong nước có mức tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép giảm lần lượt là 22,3% và 31% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 283.134 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước và giảm 21% so với tháng 12/2019. Bước sang tháng 2 tình hình sản xuất kinh doanh cũng không khả quan hơn khi tiêu thụ thép các loại đạt 1.608.229 tấn, tăng 17,86% so với tháng 1/2020, nhưng giảm 2,5% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 345.705 tấn, tăng 21,9% so với tháng trước, nhưng giảm 17% so với cùng kỳ tháng 2/2019. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất và bán hàng tiếp tục giảm từ 30 - 35% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh dịch Covid-19, VSA cho biết, Hiệp hội và các DN thành viên đã quán triệt triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong phòng, chống dịch. Theo đó, các DN thành viên đã, đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh…

Mặt khác, để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực cho ngành thép, VSA kiến nghị 2 giải pháp quan trọng lên cơ quan chức năng. Một là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như: giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp DN thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thứ hai, VSA kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các DN thép để tránh gây áp lực thêm cho DN, trong đó, có thể giảm thuế thu nhập DN…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư