Hải Dương: Nợ đọng xây dựng cơ bản “ngập đầu”

(BĐT) - Theo Kết quả kiểm tra tổng thể đầu tư giai đoạn 2012 - 2015 và việc thực hiện Luật Đầu tư công tại tỉnh Hải Dương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của Hải Dương còn lớn. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư còn dàn trải, dẫn đến một số dự án bị kéo dài, không bảo đảm tiến độ vì không đủ vốn để bố trí thực hiện.

Kết quả kiểm tra của Bộ KH&ĐT cho thấy, đến hết năm 2015, nợ XDCB là hơn 2.183 tỷ đồng, trong đó dự án thuộc nguồn vốn cấp tỉnh quản lý nợ gần 460 tỷ đồng; dự án thuộc nguồn vốn cấp huyện, xã quản lý nợ 1.723 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng dự án khởi công mới qua các năm ở Hải Dương chưa có dấu hiệu giảm. Năm 2012 khởi công mới là 50 dự án, năm 2013 là 49 dự án, năm 2014 là 112 dự án và năm 2015 là 63 dự án. Trong khi đó, số dự án chuyển tiếp từ năm trước còn khá nhiều, năm 2012 là 61 dự án, năm 2013 là 46 dự án, năm 2014 là 39 dự án và năm 2015 là 28 dự án.

Bộ KH&ĐT khẳng định, việc đầu tư ở Hải Dương còn dàn trải, không bảo đảm tiến độ, chủ yếu do thiếu vốn (trong giai đoạn 2012 - 2015, tổng vốn cho các dự án khoảng 5,7 tỷ đồng/dự án/năm). Thực tế kiểm tra cũng cho thấy, vẫn còn nhiều dự án ở Hải Dương có thời gian thực hiện kéo dài, không đảm bảo tiến độ, trong đó nguyên nhân chính là không đủ vốn để bố trí thực hiện theo các quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh dự án, làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Điển hình như Dự án Cầu Lộ Cương và đường 62 m giai đoạn 1, Dự án Cầu Hàn và đường 2 đầu cầu; Dự án Đường tránh thị trấn Phú Thái giai đoạn II; Dự án Chống sạt lở, tăng cường khả năng chống lũ cho hệ thống đê huyện Kim Thành; Dự án Xây dựng, cải tạo hồ Đập Tường thị xã Chí Linh.

Qua kết quả kiểm tra, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư công đang triển khai, đánh giá cụ thể về tình hình nợ đọng XDCB đến thời điểm hiện nay. Trên cơ sở đó, căn cứ khả năng nguồn vốn để bố trí tập trung, tránh đầu tư dàn trải, bố trí vốn đầy đủ cho các dự án đã và đang triển khai thực hiện bảo đảm thời gian theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trường hợp các dự án không thể bố trí đủ vốn để hoàn thành đúng quy định, cần có biện pháp tạm dừng hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư hợp lý, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án đã cho nhà thầu ứng số tiền lớn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hai dự án điển hình về lãng phí trong đầu tư công tại Hải Dương là Khu ký túc xá sinh viên cụm trường tại Chí Linh (hạng mục T2A) và đường tránh thị trấn Phúc Thái gia đoạn II. Hạng mục T2A đã được xây thô 9 tầng nhưng từ năm 2014 đến nay không có kinh phí hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Còn đường tránh thị trấn Phú Thái giai đoạn II hiện đang tạm dừng thi công do không đủ vốn để thực hiện tiếp (đầu tư 2,1 km từ năm 2009 tới nay, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 258,1 tỷ đồng nhưng đến 31/1/2016 mới giải ngân được 54,8 tỷ đồng.

Chuyên đề