Hải Dương chấp thuận đầu tư Nhà máy xử lý rác 1.025 tỷ

(BĐT) - UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tỉnh Hải Dương (tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng) với tổng vốn đầu tư 1.025,55 tỷ đồng và tổng diện tích sử dụng đất của Dự án là 10 ha. 
Công ty United Expert Investments Limited từng triển khai nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Chiểu
Công ty United Expert Investments Limited từng triển khai nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Chiểu

Dự án do một nhà đầu tư liên doanh đề xuất, trong đó có công ty nước ngoài. 

Xây nhà máy xử lý rác công suất 500 tấn/ngày đêm

Theo UBND tỉnh Hải Dương, thời gian thực hiện Dự án là 24 tháng và thời gian hoạt động của Nhà máy là 50 năm.

Mục tiêu của Dự án là xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 500 tấn/ngày đêm (rác không phân loại) theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam, không gây ô nhiễm thứ cấp, sản xuất ra sản phẩm điện năng, gạch không nung và vật liệu xây dựng từ tro đáy lò, phần tro bay sau xử lý còn lại chôn lấp bằng hoặc nhỏ hơn 3% lượng rác đầu vào. Công suất của Nhà máy đến năm 2020 khi hoàn thành giai đoạn 1 đạt 250 tấn/ngày đêm, giai đoạn 2 sau năm 2020 đạt công suất 500 tấn/ngày đêm và phát điện 9 - 10 MW.

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện này sử dụng công nghệ lò đốt rác phân buồng; lò hơi, máy phát điện tuabin khí sử dụng công nghệ đồng bộ bản quyền công nghệ gốc Công ty Waterleau của Bỉ; hệ thống xử lý khói thải SNCR, làm khô bán phần, làm khô, hấp thu bằng than hoạt tính, thiết bị lọc túi vải; hệ thống xử lý tro bay bằng bùn, cô đặc bằng hóa chất tạo phức; hệ thống xử lý nước rỉ rác UASB+A/O+UF+NF+RO. Theo quy trình công nghệ xử lý, rác thải rắn được xử lý bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng, không cần phân loại rác sinh hoạt hỗn hợp từ đầu nguồn.

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu trong vòng 6 tháng, Nhà đầu tư phải tự hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường, đất đai, bổ sung Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng. Trong 18 tháng tiếp theo, Nhà đầu tư thực hiện xây dựng Nhà máy, các công trình phụ trợ và lắp đặt máy móc thiết bị, tiến hành chạy thử để chính thức đưa Nhà máy đi vào hoạt động sau 24 tháng kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư. 

Nhà đầu tư là ai?

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu trong vòng 6 tháng, Nhà đầu tư phải tự hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường, đất đai, bổ sung Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng.
Dự án do Liên doanh giữa Công ty United Expert Investments Limited (British Virgin Islands) và Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt đề xuất. Trong tổng vốn đầu tư Dự án, vốn góp là 307,665 tỷ đồng (Công ty United Expert Investments Limited góp 292,281 tỷ đồng - chiếm 95% vốn góp; Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt góp 15,383 tỷ đồng, chiếm 5% vốn góp).

Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt có địa chỉ tại số 8, ngõ 120/42/5, đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, do ông Nguyễn Xuân Nguyên là người đại diện theo pháp luật. Công ty này được thành lập từ tháng 4/2017 với mã số doanh nghiệp là 0107804821.

Công ty United Expert Investments Limited do ông Cao Debiao (quốc tịch Trung Quốc) làm Chủ tịch HĐQT, có địa chỉ tại Vistra Corporate Services Centre, Wickhams Cay II, Road Town, Tortola, VG1110, British Virgin Islands. Đây không phải là dự án đầu tiên mà công ty này thực hiện tại Việt Nam. Trước đó, Công ty đã triển khai nhiều dự án tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nội, trong đó có một số dự án triển khai vào năm 2017.

Chẳng hạn như, ngày 12/10/2017, Liên doanh giữa Công ty United Expert Investments Limited và Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư là 90 triệu USD, công suất 1.000 tấn/ngày đêm. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2019.

Còn tại Thanh Hóa, Công ty United Expert Investments Limited liên doanh với Công ty CP AE Toàn Tích Thiện đầu tư Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn với tổng vốn đầu tư là 90 triệu USD. Công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Nhà máy là 1.000 tấn/ngày đêm, phát điện khoảng 65 - 67 triệu kWh/năm trong giai đoạn đầu và tăng gấp đôi vào giai đoạn 2, đồng thời sản xuất ra khoảng 25.000 m3 gạch không nung và các sản phẩm thứ cấp từ quá trình xử lý rác. Dự kiến Nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng trong năm 2019.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư