Tổng chi cho vật tư y tế tiêu hao nguồn khám chữa bệnh 1 năm tại Hà Tĩnh là trên dưới 100 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm |
Mặc dù, để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh (KCB), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho phép các cơ sở y tế được mua bổ sung mặt hàng còn thiếu hoặc phát sinh mới theo giá trúng thầu như thỏa thuận khung đã ký kết, nhưng vẫn rất cần nhìn lại quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này, từ việc lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn nhà thầu cho đến khả năng cung ứng hàng hóa trúng thầu...
Kế hoạch mua sắm cao gấp hơn 10 lần nhu cầu thực
Năm 2017, tổng chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) tại Hà Tĩnh là khoảng 820 tỷ đồng (trong đó, chi KCB BHYT chiếm từ 75 - 85% tổng chi KCB; chi mua VTYT trong KCB chiếm khoảng 10%). Như vậy, tổng chi cho VTYT tiêu hao nguồn KCB BHYT 1 năm tại tỉnh Hà Tĩnh là chỉ trên dưới 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Gói thầu VT 01.2017 Mua sắm vật tư tiêu hao với 1.147 mặt hàng có tổng giá trị lên tới 414,459 tỷ đồng; Gói thầu HC-VT 01.2017 Mua sắm hóa chất và vật tư xét nghiệm với 1.481 mặt hàng có tổng giá trị là hơn 136,687 tỷ đồng. Tổng giá trị của hai gói thầu này là 551,146 tỷ đồng, tức là cao hơn gấp 5 lần so với kết quả thực hiện năm 2017.
Nếu so sánh danh mục mua sắm tập trung tổng hợp từ nhu cầu của các cơ sở KCB trên địa bàn Tỉnh của Sở Y tế giữa Công văn ngày 24/1/2017 với Công văn số 1397/SYT-KHTC ngày 19/7/2017, thì số danh mục mặt hàng có xu hướng gia tăng, từ 2.515 mặt hàng lên 2.616 mặt hàng và kết quả lựa chọn nhà thầu là 2.628 mặt hàng.
Để thực hiện được những gói thầu có quy mô “khủng” như trên, Bên mời thầu đã đưa ra yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và nhân sự tương ứng. Tuy nhiên, những nhà thầu có thể đáp ứng các yêu cầu này là không nhiều.
Gói thầu VT 01.2017 và Gói thầu HC-VT 01.2017 lần lượt yêu cầu nhà thầu phải đảm bảo doanh thu bình quân hàng năm trong 3 năm gần đây (2014, 2015, 2016) tối thiểu là 625 tỷ đồng và 210 tỷ đồng; có hợp đồng tương tự về cung cấp thiết bị, vật tư với giá trị hợp đồng là 210 tỷ đồng và 70 tỷ đồng...
Có 14 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT) của Gói thầu VT 01.2017, 9 nhà thầu mua HSMT của Gói thầu HC-VT 01.2017. Tuy nhiên, mỗi gói thầu chỉ có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Trong đó, 2 nhà thầu là Liên danh Armypharm - Mopha và Công ty CP Thương mại và Dịch vụ y tế Việt cùng tham dự cả hai gói thầu, nhưng đều bị loại từ bước đánh giá về kỹ thuật, kinh nghiệm, nên không được đánh giá về tài chính (vì không cung cấp được hợp đồng có tính chất tương tự và không đạt yêu cầu về nhân sự chủ chốt của HSMT...).
Rốt cuộc, Liên danh Tổng công ty CP Y tế Danameco - Công ty TNHH HOH Việt Nam - Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm - Công ty TNHH Y tế Hoàng Sa - Công ty CP Hóa dược Việt Nam được lựa chọn là nhà thầu trúng thầu Gói thầu HC-VT 01.2017. Giá trị thỏa thuận khung là 134,841 tỷ đồng. Tổng số mặt hàng là 1.481.
Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ kỹ thuật TNT - Công ty CP Thương mại Kỹ thuật Việt Nam - Công ty CP Hóa dược Việt Nam - Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thiết bị y tế Tân Hòa Phát trúng thầu Gói thầu VT 01.2017. Giá trị thỏa thuận khung là hơn 410,28 tỷ đồng. Tổng số mặt hàng là 1.147.
Có sự trùng khớp kỳ lạ giữa HSMT và HSDT về tên hàng hóa
Bên cạnh việc lập kế hoạch “trên trời”, cách thức ghi tên và yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa trong HSMT của 2 gói thầu cũng cho thấy có nhiều vấn đề.
Theo Biên bản làm việc giữa Đoàn công tác của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính công Hà Tĩnh, nhiều mặt hàng VTYT tiêu hao được ghi tên hàng hóa kèm theo yêu cầu kỹ thuật cụ thể, không có tiêu chí mở, không ghi chú “tương đương” (Gói thầu VT 01.2017 có 891/1.147 mặt hàng, chiếm 77,7%; Gói thầu HC-VT 01.2017 có 1.433/1.481 mặt hàng, chiếm 96,7%).
Đặc biệt, có một sự trùng khớp kỳ lạ nữa giữa HSMT và HSDT về tên hàng hóa kèm theo cấu hình kỹ thuật. Gói thầu VT 01.2017 có 864/1.147 mặt hàng, chiếm 75,3%; Gói thầu HC-VT 01.2017 có 1.174/1.481 mặt hàng, chiếm 79,3%...