Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, cung ứng thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua tổng hợp báo cáo và nắm bắt tình hình thực hiện công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế (VTYT) trên địa bàn, TS. Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội vừa cho biết, các bệnh viện (BV) thiếu thuốc do yếu tố khách quan, thiếu VTYT do một số đơn vị chưa có kết quả đấu thầu, nhưng về cơ bản vẫn đảm bảo cung ứng thuốc, VTYT nhờ có sự chỉ đạo, điều phối kịp thời.
Về cơ bản các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế nhờ có sự chỉ đạo, điều phối kịp thời. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Về cơ bản các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế nhờ có sự chỉ đạo, điều phối kịp thời. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Một số đơn vị có kết quả đấu thầu trong 2- 4 tháng nữa

Theo phân cấp, đấu thầu tập trung (ĐTTT) thuốc hiện được thực hiện ở 3 cấp, cấp quốc gia (danh mục (DM) ĐTTT cấp quốc gia và đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc thuộc Bộ Y tế thực hiện), cấp địa phương và cơ sở y tế (CSYT) tự tổ chức.

Tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Hưng cho biết, năm 2021, Sở Y tế đã tổng hợp nhu cầu gửi về Bộ Y tế gồm 120 mặt hàng thuốc thuộc DM thuốc ĐTTT cấp quốc gia và 663 thuốc trong DM thuốc đàm phán giá. Tuy nhiên, đến nay, do một số khó khăn, nên chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT), do vậy địa phương phải chờ đến khi có kết quả mới thực hiện.

Đối với DM thuốc ĐTTT cấp địa phương, Hà Nội đã triển khai từ năm 2016. Hiện nay, nhiệm vụ này được giao cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội (Trung tâm Kiểm nghiệm). Công tác này cơ bản thực hiện tốt, cứ 2 năm tổ chức ĐTTT 1 lần. Năm 2020, Trung tâm đã tổ chức ĐTTT cho các CSYT và năm 2021 tổ chức đấu thầu lại cho những mặt hàng thuốc trượt thầu (do không có nhà thầu trúng thầu, khan hàng do đứt gãy chuỗi cung ứng…). Đến nay, một số đơn vị vừa hoàn thành đấu thầu thuốc quý III - IV/2021 và quý I/2022, cơ bản đáp ứng đủ thuốc phục vụ người bệnh.

Đối với VTYT, theo quy định, những đơn vị tự chủ về tài chính được chủ động phê duyệt kế hoạch và tổ chức LCNT như BV Bạch Mai… Còn những đơn vị được giao dự toán ngân sách, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ phê duyệt kế hoạch và kết quả LCNT.

Về tiến độ đấu thầu mua sắm VTYT ở các BV được giao dự toán ngân sách, một số đơn vị đã triển khai và có kết quả LCNT là BV Phụ sản, BV Ung Bướu, BV Tim, BV Đa khoa (ĐK) Đức Giang… Các đơn vị đang triển khai và dự kiến có kết quả LCNT trong vòng 1 tháng nữa là BVĐK Thanh Nhàn, BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, BV Bắc Thăng Long. Còn các đơn vị dự kiến có kết quả LCNT trong khoảng 2 - 4 tháng nữa là BVĐK Xanh Pôn, BVĐK Sơn Tây, BVĐK Hà Đông, BVĐK Hòe Nhai, BV Da liễu, BV Phục hồi chức năng, BV Tâm thần, BV Ba Vì và một số trung tâm y tế quận/huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đan Phượng…

“Hà Nội có hệ thống các BV công lập, BVĐK, BV chuyên khoa, liên kết chặt chẽ với nhau, nếu cần/thiếu, có thể điều phối, hỗ trợ lẫn nhau… Một số trường hợp khó khăn thì chuyển lên tuyến BV Trung ương, nhưng chủ yếu là do nguyện vọng cá nhân. Do vậy, người dân Hà Nội có thể yên tâm về khả năng khám, chữa bệnh của các BV ở Thủ đô”, ông Hưng chia sẻ.

Để đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm tập trung thuốc và VTYT trên địa bàn, Thành phố đã cử 7 cán bộ biệt phái có chuyên môn về đấu thầu từ Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Mua sắm để hỗ trợ Trung tâm Kiểm nghiệm.

Sở Y tế vừa đề xuất thành lập Tổ công tác do Lãnh đạo UBND Thành phố làm tổ trưởng, Sở Y tế là thành viên thường trực và các thành viên còn lại là đại diện các sở, ngành liên quan của Thành phố.

Đề xuất trả lại phần mua sắm của các BV thuộc Bộ Y tế

Theo ông Hưng, Trung tâm Kiểm nghiệm được giao tổ chức ĐTTT thuốc cho các CSYT trực thuộc Sở Y tế và cho cả các BV tuyến Trung ương đóng trên địa bàn như BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV 108… Trong đó, giá trị mua sắm của các BV thuộc Sở Y tế chỉ chiếm 1/3 giá trị gói thầu. Mặc dù vậy, khi có kết quả LCNT, tỷ lệ các BV này ký hợp đồng mua sắm rất thấp, không thực hiện theo đúng kế hoạch đã đăng ký và theo quy định của Bộ Y tế (thực hiện phải đạt được 80% kế hoạch). Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà thầu cung ứng.

Do đó, để giảm áp lực cho Trung tâm Kiểm nghiệm, ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính thuộc Sở Tài chính Hà Nội đề xuất, Thành phố nên trả lại số thuốc - VTYT phục vụ các BV tuyến Trung ương cho Bộ Y tế, Thành phố chỉ nên đấu thầu cung ứng cho các đơn vị thuộc Thành phố.

Mặt khác, theo ông Hưng, DM thuốc ĐTTT được chia thành 3 cấp (cấp quốc gia, cấp địa phương, tự mua sắm) như hiện nay là còn nhiều bất cập, không thể thực hiện đồng thời một lúc trong năm khiến cho các đơn vị gặp không ít khó khăn, không cân đối trong sử dụng. Ví dụ như BV Bạch Mai có 500 DM thì phải đấu thầu thành 3 lần, cấp quốc gia - cấp địa phương - cấp đơn vị.

Hơn nữa, mặc dù đã có quy định tự chủ về nhân sự và tổ chức bộ máy, nhưng một số BV chưa được tự chủ đấu thầu thuốc, nên phải trình Sở Y tế thẩm định, phê duyệt kế hoạch và kết quả LCNT. Nếu giao cho đơn vị tự chủ được chủ động thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc như VTYT thì sẽ giảm được nhiều thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian.

Ngoài ra, ông Tuân còn đề xuất Bộ Y tế cần xây dựng lại Thông tư hướng dẫn về danh mục VTYT, phân chia 5.100 mặt hàng thành các bảng, nhóm cụ thể để dễ tổ chức đấu thầu; đồng thời phải xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu tham chiếu về giá, liên thông với cơ quan hải quan.

Chuyên đề