Hạ mức đầu tư tối thiểu dự án PPP tại TP.HCM: Tăng sức hút vốn vào dự án văn hóa, giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là trung tâm kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục… của cả nước, nhưng TP.HCM hiện vẫn thiếu các công trình văn hóa, thể thao tầm cỡ, quy mô lớn, sự tham gia của doanh nghiệp trong các lĩnh vực này còn mờ nhạt. Để tăng sức hấp dẫn cho dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, TP.HCM đã cụ thể hóa các chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98/2023/QH15.
Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở vật chất của ngành văn hóa, thể thao TP.HCM là rất lớn. Ảnh: Nhã Chist
Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở vật chất của ngành văn hóa, thể thao TP.HCM là rất lớn. Ảnh: Nhã Chist

Gần 3 năm chưa triển khai dự án nào

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là cần thiết nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân với các lĩnh vực đã được xác định, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro. Đặc biệt, lĩnh vực thể thao, văn hóa sẽ được Thành phố quan tâm, dồn nhiều nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, thể chất cho nhân dân Thành phố trong giai đoạn tới.

Hiện nay, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế đã được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật PPP và Điều 2 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP là từ 100 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên, “tổng mức đầu tư tối thiểu các lĩnh vực nêu trên còn cao và hạn chế lĩnh vực đầu tư (không có lĩnh vực văn hóa, thể thao), gây khó khăn cho Thành phố trong kêu gọi đầu tư các dự án PPP. Thực tế, gần 3 năm qua, Thành phố chưa triển khai được dự án PPP nào trong các lĩnh vực này”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết.

Trong khi đó, nhu cầu phát triển cơ sở vật chất giai đoạn 2021 - 2025 mà ngành văn hóa và thể thao Thành phố đề xuất gồm 98 dự án, nhưng chỉ có 28 dự án được ghi vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP.HCM, Thành phố chưa sắp xếp được nguồn vốn đầu tư hàng loạt dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Danh mục dự án trình HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư có tổng chi phí rất lớn.

Linh hoạt mức đầu tư để tăng cơ hội cho nhà đầu tư

Điểm a và điểm b Điều 4 Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM quy định, ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP quy định tại Luật PPP, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP. Quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao do HĐND Thành phố quy định.

Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai chia sẻ, TP.HCM đã cụ thể hóa quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, tạo điều kiện cho Thành phố chủ động trong việc lựa chọn, kêu gọi và triển khai các dự án PPP mang tính khả thi, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác PPP trong phát triển hạ tầng xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Thành phố. “Việc xác định mức đầu tư các dự án trong lĩnh vực này đã được Thành phố lấy ý kiến từ chính các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đưa ra mức phù hợp, linh hoạt, khả thi nhất”, bà Mai cho biết.

Theo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa, các nhà đầu tư có thể đăng ký thực hiện các dự án lĩnh vực y tế có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên; các dự án thể thao và văn hóa do Thành phố quản lý có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên, do quận/huyện quản lý từ 10 tỷ đồng trở lên. Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhà đầu tư có thể đăng ký thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ từ 5 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư cơ sở vật chất tổ chức hoạt động giáo dục thể chất từ 20 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư xây dựng trường lớp từ 100 tỷ đồng trở lên.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho biết, Thành phố đã cụ thể hóa chính sách đặc thù của Nghị quyết và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của sự đổi mới. “Việc mạnh dạn thay đổi tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP vào các lĩnh vực nói trên sẽ thực sự thu hút các nhà đầu tư vào nhiều dự án thiết thực. Người dân TP.HCM rất quan tâm đến đời sống văn hóa, cải thiện thể chất. Do đó, chúng tôi tin chính sách này sẽ cởi trói, xóa bỏ những e ngại cho các nhà đầu tư trong thời gian tới”, ông Trần Du Lịch chia sẻ.

Chuyên đề