Hà Giang: Loạt dự án ODA “tắc” giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đặc thù riêng biệt về vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa... giúp Hà Giang thu hút được nguồn vốn nước ngoài lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, hết năm 2022, Hà Giang nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân khá thấp so với mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt là nguồn vốn ODA. UBND tỉnh Hà Giang đang đề ra một số giải pháp để cải thiện tình trạng này, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.
Năm 2022, Hà Giang giải ngân được 314,522 tỷ đồng vốn ODA, đạt 36% kế hoạch. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Năm 2022, Hà Giang giải ngân được 314,522 tỷ đồng vốn ODA, đạt 36% kế hoạch. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, tính đến hết ngày 31/1/2023, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 toàn tỉnh là 3.602,48 tỷ đồng, đạt 65,56%. Trong đó, riêng đối với vốn ODA, kế hoạch vốn năm 2022 giải ngân được 314,522 tỷ đồng/861,955 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch.

Thông tin đến Báo Đấu thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2022, toàn tỉnh có 7 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA được triển khai thực hiện, gồm: Chương trình phát triển đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án tỉnh Hà Giang; Thoát nước và xử lý nước thải TP. Hà Giang; Phát triển đa mục tiêu cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã nghèo thuộc huyện Xín Mần; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP); Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc - Tiểu dự án tỉnh Hà Giang; Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Tiểu dự án tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử như Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Hà Giang có tổng mức đầu tư quy đổi 1.140,384 tỷ đồng, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thời gian thực hiện theo kế hoạch từ năm 2018 - 2023. Do thời gian từ khi khảo sát, lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, ký Hiệp định đến triển khai kéo dài tới 7 năm, dẫn đến địa hình thay đổi, hầu hết công trình thuộc Tiểu dự án phải điều chỉnh thiết kế, phương án bồi thường phải cập nhật, điều chỉnh lại theo thiết kế, mất rất nhiều thời gian. Kết quả, tỷ lệ giải ngân của Tiểu dự án đạt 3% kế hoạch vốn năm 2022.

Đối với Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), kết quả giải ngân năm 2022 đạt 45% so với kế hoạch vốn được giao (122,765 tỷ đồng). Dự án vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện, nguyên nhân là do Ngân hàng Thế giới tài trợ muộn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) cũng chỉ giải ngân được 34% kế hoạch vốn năm 2022. Đáng chú ý, riêng 2 dự án: Thoát nước và xử lý nước thải TP. Hà Giang (kế hoạch vốn giao 2022 là 24,2 tỷ đồng) và Phát triển đa mục tiêu cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã nghèo thuộc huyện Xín Mần (kế hoạch vốn giao 2022 là 43,77 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đến hết năm cùng đạt 0%.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh giảm (hoàn trả ngân sách trung ương) 452,432 tỷ đồng trong tổng kế hoạch vốn nước ngoài ODA năm 2022 của tỉnh Hà Giang.

Theo Sở KH&ĐT Hà Giang, có một số nguyên nhân khiến các dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn Tỉnh chậm tiến độ. Đó là điều kiện thời tiết bất thường, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, nên việc thi công gặp nhiều khó khăn; giá nguyên vật liệu, nhân công biến động tăng cao dẫn đến tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng; năng lực của nhà thầu (máy móc, nhân sự), phương án tổ chức thi công tại một số công trình còn hạn chế; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài.

Trong quá trình thực hiện, một số dự án phát sinh hạng mục cần phải bổ sung, điều chỉnh, trong khi chính sách của nhà tài trợ có sự khác biệt với quy định pháp luật Việt Nam (công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, giải ngân...) làm kéo dài thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ của một số ban quản lý còn hạn chế; chưa am hiểu trình tự thủ tục của nhà tài trợ; chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý, triển khai các dự án ODA; chưa nắm bắt được thông tin về đầu mối liên hệ phía nhà tài trợ để trao đổi các nội dung xin ý kiến, thống nhất với nhà tài trợ. Ngoài ra, tại một số dự án, thời gian thực hiện theo hiệp định đã kết thúc, cơ quan chủ quản đang thực hiện thủ tục gia hạn để triển khai các bước tiếp theo, dẫn đến không có khối lượng thực hiện để giải ngân.

Nhằm thúc đẩy địa phương hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ được giao, Sở KH&ĐT Hà Giang kiến nghị các bộ ngành, cơ quan tài trợ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Tỉnh hoàn thành thủ tục gia hạn hiệp định, thời gian giải ngân các dự án; đẩy nhanh công tác xem xét và thông qua các hồ sơ do ban quản lý dự án đệ trình; giám sát, hỗ trợ và đưa ra các khuyến nghị kịp thời trong quá triển khai thực hiện.

UBND tỉnh Hà Giang xác định, việc triển khai các dự án ODA là nhiệm vụ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh. Do đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần xác định trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của dự án ODA, coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan. Các chủ đầu tư phải thường xuyên rà soát kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng.

Chuyên đề