​Hạ độ tuổi góp vốn thành lập doanh nghiệp: Sớm nuôi ý tưởng kinh doanh

(BĐT) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được khai mạc vào sáng nay 20/5, theo dự kiến, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia là việc hạ độ tuổi đối với cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp (DN).
Việc hạ độ tuổi cá nhân tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp sẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của học sinh và người trẻ tuổi. Ảnh: Lê Tiên
Việc hạ độ tuổi cá nhân tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp sẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của học sinh và người trẻ tuổi. Ảnh: Lê Tiên

Điều 18 Luật DN quy định: “người chưa thành niên” không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định này có nghĩa là cá nhân chưa đủ 18 tuổi thì không có quyền thành lập, quản lý DN. “Khi quy định cứng như vậy, chúng ta đang đánh mất cơ hội kinh doanh, kìm hãm hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của những cá nhân ở độ tuổi dưới 18 để hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh”, ông Hiếu nói.

Thực tế cho thấy, pháp luật hiện hành đã có những thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân chưa đủ 18 tuổi thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Đơn cử, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ về năng lực hành vi dân sự của cá nhân, trong đó nêu rõ, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Bộ luật Lao động cũng quy định, người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

Như vậy, đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên, người từ đủ 15 tuổi trở lên được tham gia quan hệ lao động với đơn vị, người sử dụng lao động để thực hiện công việc và được trả lương theo kết quả hoàn thành công việc.

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em năm 2016 cũng nêu rõ, những người dưới 16 tuổi mới là trẻ em.

Hơn nữa, hiện Chính phủ có nhiều chương trình thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có nhiều chương trình cho các cá nhân trẻ là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến nay, phong trào khởi nghiệp trong trường phổ thông được nhiều trường học ở các địa phương triển khai có hiệu quả. Học sinh có thể hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và kết quả đạt được rất khả quan…

Như vậy, pháp luật hiện hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người chưa đủ 18 tuổi tham gia khởi nghiệp sáng tạo, nhưng theo Luật DN thì người đủ 18 tuổi mới được quyền tham gia góp vốn thành lập DN. Theo đó, nếu có quy định hạ độ tuổi đối với cá nhân tham gia góp vốn thành lập DN sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Bởi lẽ, những người trong độ tuổi từ 16 - 18 tuổi cũng đầy ắp các ý tưởng kinh doanh. Nếu họ không có quyền góp vốn thành lập DN để hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh thì những ý tưởng sáng tạo của họ sẽ bị hạn chế, mong ước lập nghiệp bị kìm hãm.

Đồng tình quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ: “Việc hạ độ tuổi cho cá nhân tham gia góp vốn thành lập DN là rất cần thiết để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong khối học sinh, sinh viên tăng lên”.

Dự thảo Luật DN (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có nhiều điểm mới đáng chú nhằm tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng cơ hội kinh doanh của DN. Đó là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp luật bảo vệ nhà đầu tư; nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của DN nhà nước…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư