Ảnh minh hoạ. |
Liên tiếp đón nhận những dữ liệu khả quan, giới đầu tư toàn cầu đang bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh hồi phục của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cho rằng giai đoạn hiện nay có thể chính là thời điểm tuyệt vời nhất của sự phục hồi sau đại dịch.
Theo trang CNN Business, các nhà phân tích thực hiện bản báo cáo trên cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu giảm tốc từ quý 3 năm nay. Cùng với đó, số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở những nền kinh tế quan trọng khác của thế giới như Ấn Độ, buộc chính phủ các quốc gia này phải triển khai các biện pháp phong toả mới. Đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là Trung Quốc, các con số thống kê gần đây cho thấy đà hồi phục có vẻ đang yếu dần.
Goldman Sachs nhận định rằng sự phục hồi của kinh tế Mỹ đang đạt đỉnh, với tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 10,5% trong quý này, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1978 nếu không tính mức tăng 33,1% đạt được trong quý 3/2020, thời điểm các hoạt động kinh tế Mỹ bùng nổ sau thời gian tê liệt vì phong toả.
Tiếp đó, Goldman Sachs dự báo kinh tế Mỹ "chậm lại một chút" trong quý 3 và "liên tục giảm tốc trong vài quý sau đó".
"Các chuyên gia của chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục cao hơn xu hướng và cao hơn mức dự báo bình quân trong vài quý tới đây. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng sẽ đạt đỉnh trong 1-2 tháng tới, khi ảnh hưởng của các gói kích cầu bằng chính sách tài khoá và sự mở cửa trở lại đạt mức tối đa rồi bắt đầu suy yếu", báo cáo có đoạn viết.
Cùng với đó, Goldman Sachs dự báo sự phục hồi hoàn toàn có thể bị trì hoãn ở những đầu tàu tàu kinh tế quan trọng khác của thế giới như Ấn Độ, quốc gia đang chìm trong một làn sóng Covid mới nghiêm trọng hơn tất cả mọi dự báo trước đó. Mấy ngày gần đây, Ấn Độ liên tục lập kỷ lục mới của thế giới về số ca nhiễm mới và số ca tử vong mới trong một ngày vì Covid-19.
Lo ngại ảnh hưởng kinh tế của phong toả, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi chính quyền các bang xem "phong toả là biện pháp cuối cùng", nhưng lãnh đạo các địa phương cảm thấy rằng họ không còn lựa chọn nào khác. Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang trải qua đợt phong toả nghiêm ngặt kéo dài 1 tuần, trong bối cảnh các bệnh viện quá tải vì lượng bệnh nhân Covid quá lớn.
Tình hình dịch bệnh sẽ "gia tăng sức ép lên sự phục hồi kinh tế còn chưa hoàn thiện của Ấn Độ", một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase có đoạn viết. Báo cáo này hạ dự báo tăng trưởng cả năm của kinh tế Ấn Độ về mức 11,2% từ mức 13,2% trước đó.
Trong số các đầu tàu tăng trưởng của thế giới hiện nay, Trung Quốc ổn hơn cả. Nước này vừa công bố mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng quý so với cùng kỳ năm trước cao kỷ lục, với mức tăng 18,3% đạt được trong quý 1. Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc đã chững lại. Nếu so với quý 4/2020, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0,4% trong quý 1/2021.
"GDP thực tế của Trung Quốc trong quý 1 vừa qua giảm tốc mạnh hơn dự báo, sau khi tăng tốc mạnh vào cuối năm ngoái", chuyên gia kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan Chase nhận xét.