Gọi vốn tư nhân vào tăng trưởng xanh: Cách nào để đạt 184 tỷ USD?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam cần thêm khoản đầu tư tương đương 6,8% GDP mỗi năm, tương ứng tổng cộng 368 tỷ USD đến năm 2040, trong đó, nguồn huy động từ khu vực tư nhân khoảng 184 tỷ USD. Tuy nhiên, cách nào để huy động được nguồn vốn tư nhân cùng góp sức thực hiện mục tiêu trên là một bài toán hóc búa…
Chính sách hỗ trợ giá điện tái tạo chưa có định hướng cụ thể dẫn dắt, chính sách thiếu sự nhất quán, đồng bộ nên các chủ đầu tư rơi vào thế bị động. Ảnh: Nhã Chi
Chính sách hỗ trợ giá điện tái tạo chưa có định hướng cụ thể dẫn dắt, chính sách thiếu sự nhất quán, đồng bộ nên các chủ đầu tư rơi vào thế bị động. Ảnh: Nhã Chi

Những khó khăn hiện hữu

Tại Hội thảo nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh (TTX) tổ chức ngày 25/10, tại Hà Nội, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ ra: “Việc thu hút đầu tư tư nhân vào TTX đang gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn bắt nguồn từ cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, cơ chế chính sách hỗ trợ giá điện tái tạo chưa có định hướng cụ thể dẫn dắt, chính sách thiếu sự nhất quán, đồng bộ nên các chủ đầu tư rơi vào thế bị động”.

Trình bày kết quả nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tư nhân cho TTX ở Việt Nam do nhóm nghiên cứu của CIEM thực hiện, ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM chỉ ra hàng loạt khó khăn, bất cập.

Cụ thể, về thực trạng chính sách định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng TTX nhằm thúc đẩy thu hút tư nhân, hiện Việt Nam đã có định hướng chính sách về thúc đẩy TTX, song khung chính sách liên quan đến TTX chưa được hoàn thiện, thống nhất; chưa có bộ tiêu chí sử dụng để lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược TTX ở cấp quốc gia, ngành và địa phương; chưa có quy định cụ thể về sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn xanh trong lập hồ sơ dự án đầu tư, thẩm định xu hướng TTX của dự án đầu tư công…

Về thực trạng chính sách hỗ trợ đối với khu vực tư nhân đầu tư cho TTX, khung pháp luật và chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, trong đó có hỗ trợ cho TTX chưa thực sự hoàn thiện, đồng bộ, tính khả thi chưa cao; một số văn bản hướng dẫn chậm ban hành; thiếu thống nhất về danh mục, ngành nghề, lĩnh vực xanh nên khó khăn cho ngân hàng thương mại lựa chọn, thẩm định, đánh giá, giám sát thực hiện tín dụng xanh…

“Chính sách thu hút DN tư nhân đầu tư vào TTX có nhiều nhưng chồng chéo. Cơ chế chính sách ưu đãi tản mạn ở nhiều nơi, khó khăn cho DN thực hiện. Mức độ sâu đậm của chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích DN đầu tư cho TTX”, ông Khải nhận xét.

Hai nhóm giải pháp gọi vốn cho tăng trưởng xanh

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần một nguồn lực rất lớn để thực hiện Chiến lược TTX quốc gia. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế, đầu tư của khu vực tư nhân là nguồn lực quan trọng, thậm chí mang tính quyết định, đảm bảo thành công trong thực hiện Chiến lược TTX quốc gia.

Khẳng định TTX là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng ông Lê Quang Thuận, Trưởng ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập thuộc Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh rất tốn kém, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân DN thì rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo CIEM, Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đủ mạnh để thu hút khu vực tư nhân bỏ vốn vào phát triển kinh doanh theo hướng thúc đẩy TTX.

Bên cạnh ưu đãi, ông Khải nhấn mạnh, cần tạo dựng thị trường và môi trường đầu tư ổn định, minh bạch, công bằng đối với mọi thành phần kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là ưu tiên hàng đầu với Việt Nam thông qua nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật kinh doanh đảm bảo các yêu cầu về tính đồng bộ, tính nhất quán, tính minh bạch, tính cần thiết, tính hợp lý và tính hiệu quả.

Trên cơ sở đó, 2 nhóm giải pháp chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư cho TTX đã được CIEM đề xuất.

Một là, nhóm các giải pháp lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường vào hệ thống pháp luật chuyên ngành. Theo đó, với Luật Đầu tư, cần sửa đổi các cơ chế ưu đãi đầu tư mạnh hơn nữa để thu hút và tạo điều kiện cho DN đầu tư xanh, trong đó cần nghiên cứu cơ chế để DN được hưởng các nguồn lực lớn như đất đai, tài chính, làm đòn bẩy thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư xanh, cải thiện môi trường.

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nghiên cứu bổ sung, mở rộng thêm một số ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo phương thức PPP; bổ sung quy định về việc giảm quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật PPP đối với một số lĩnh vực PPP có yếu tố xanh… Với Luật Điện lực, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thị trường đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch và thực hiện đấu thầu giá điện cạnh tranh thay vì ban hành các cơ chế giá FIT như thời gian qua vì không còn phù hợp.

Với nhóm giải pháp hoàn chỉnh chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cần nghiên cứu ban hành Luật Hỗ trợ TTX, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chung nhằm hạn chế các quy định manh mún, tản mát, thiếu, thừa và chồng chéo ở nhiều văn bản quy định pháp luật như hiện nay. Các bộ, ngành và địa phương chủ động cân đối ngân sách thúc đẩy đầu tư công thực hiện vai trò “vốn mồi” trong huy động đầu tư tư nhân xanh; có giải pháp phát triển các DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt thị trường xanh…

Chuyên đề