Gói thầu xử lý chất thải tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM): Chủ đầu tư lý giải về quyết định hủy thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vừa có Công văn số 3103/BVND115-TCCB phản hồi thông tin Báo Đấu thầu phản ánh về quyết định hủy thầu gây hoài nghi, tranh cãi tại Gói thầu Dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm do Bệnh viện làm Chủ đầu tư.
Gói thầu xử lý chất thải tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) có 4 nhà thầu tham dự và đều được đánh giá không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Ảnh Internet
Gói thầu xử lý chất thải tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) có 4 nhà thầu tham dự và đều được đánh giá không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Ảnh Internet

Trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 đã hủy kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT) gói thầu trên sau khi đánh giá lại hồ sơ dự thầu (HSDT) vì vấp phải kiến nghị của nhà thầu.

Gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, thu hút 4 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (mAc), Công ty CP Môi trường Việt Úc, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ môi trường Việt Xanh. Ngày 6/10/2023, Bệnh viện đăng tải thông tin kết quả LCNT. Sau đó 3 ngày, Bệnh viện nhận được Công văn số 29/2023/CVKD-mAc của Công ty mAc kiến nghị về nội dung hồ sơ mời thầu (HSMT) và kết quả đánh giá HSDT.

Đối với kiến nghị về nội dung HSMT, Bệnh viện cho rằng, do Nhà thầu có ý kiến về HSMT sau khi có thông báo kết quả LCNT nên Chủ đầu tư không giải quyết nội dung kiến nghị này. Bởi theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 14 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và căn cứ mục 7.2 Chương I của HSMT, trường hợp cần làm rõ HSMT, nhà thầu phải gửi đề nghị làm rõ đến bên mời thầu trong khoảng thời gian tối thiểu 3 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu để bên mời thầu xem xét, xử lý.

Đối với nội dung kiến nghị về kết quả đánh giá HSDT, Chủ đầu tư đã giao cho các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại, đồng thời thông báo cho Nhà thầu bằng Văn bản số 2856/CV-BMT ngày 19/10/2023 về tiến trình giải quyết kiến nghị. Kết quả đánh giá lần 2 đối với HSDT cho thấy, tất cả nhà thầu tham dự đều không đáp ứng yêu cầu của HSMT, bao gồm cả Nhà thầu Việt Úc, nên ngày 25/10/2023, Chủ đầu tư đã ra quyết định hủy kết quả LCNT phê duyệt trước đó.

Ngày 1/11/2023, Bệnh viện tiếp tục nhận được Công văn số 30/2023/CVKD-mAc của Nhà thầu mAc kiến nghị về quyết định phê duyệt kết quả LCNT, quyết định hủy kết quả LCNT và đề nghị Bệnh viện phản hồi bằng văn bản vì hoài nghi về tính minh bạch khi chưa phản hồi kiến nghị đã hủy thầu. Ngày 8/11/2023, Bệnh viện có Công văn số 3061/CV-BVND115 phản hồi kiến nghị của Nhà thầu mAc.

Liên quan đến lý do đánh giá HSDT của Nhà thầu mAc không đạt yêu cầu vì “không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Phụ lục 4 đính kèm giấy phép môi trường (GPMT) không ghi phương tiện vận chuyển”, Bệnh viện giải trình: “Mục 2 Chương III của HSMT yêu cầu “phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải y tế lây nhiễm phải được ghi trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại”. HSDT của Công ty chỉ liệt kê phương tiện vận chuyển theo Công văn số 01/2023/CVNM-mAc thông báo danh sách phương tiện vận chuyển chất thải. Đồng thời, trong GPMT nộp kèm HSDT cũng không thể hiện danh mục phương tiện vận chuyển theo nội dung yêu cầu tại Mục 2 Chương III của HSMT. Do đó, Chủ đầu tư kết luận HSDT không đạt”.

“Kết quả đánh giá HSDT của các nhà thầu dựa trên yêu cầu của HSMT”, Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định.

Về việc đánh giá “cam kết và phương pháp luận của HSDT không có nội dung phân loại rác”, Bệnh viện lý giải, Mục 3 Chương V của HSMT yêu cầu: “Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm cho Bệnh viện. Thực hiện đúng quy định và chịu trách nhiệm việc phân loại rác theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế”. Tuy nhiên, HSDT của Công ty mAc không có cam kết nội dung “chịu trách nhiệm phân loại rác”, giải pháp và phương pháp luận tại HSDT cũng không có nội dung này, nên HSDT của Nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.

“Việc yêu cầu thực hiện cam kết phân loại rác trong HSMT dựa trên nguyên tắc thỏa thuận về cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của Bên mời thầu. Để thực hiện đáp ứng về dịch vụ, mAc phải đáp ứng điều kiện cần và đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự về thỏa thuận hợp đồng. Theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT thì trách nhiệm phân loại là của chủ nguồn thải, nhưng không có quy định về việc không được phép chuyển giao trách nhiệm/chuyển giao một phần trách nhiệm phân loại cho bên thứ ba thông qua các thỏa thuận hợp pháp mà pháp luật không cấm, và đây là một trong các điều kiện cần và đủ trong các yêu cầu của HSMT”, Bệnh viện nhấn mạnh.

Với những lý do nêu trên, Chủ đầu tư bảo lưu kết quả đánh giá HSDT lần 1 và lần 2 đối với Nhà thầu mAc và quyết định hủy thầu đã ban hành.

Bình luận về trường hợp này, các chuyên gia cho rằng, lý do GPMT không ghi phương tiện vận chuyển nên loại nhà thầu là không đúng, vì GPMT được cấp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bao gồm thông tin chi tiết về đăng ký phương tiện vận chuyển và tích hợp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Hơn nữa, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT nêu rõ, trường hợp HSMT yêu cầu không phù hợp thì không được loại nhà thầu.

Đối với lý do loại nhà thầu vì các nhà thầu không chào công việc "phân loại rác", các chuyên gia cho rằng có cơ sở. Do Bệnh viện (chủ nguồn thải) không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ xử lý chất thải nên mới đấu thầu để thuê đơn vị cung cấp dịch vụ làm thay. Một khi trúng thầu thì toàn bộ trách nhiệm của chủ nguồn thải sẽ được chuyển giao cho nhà thầu, khi đó nhà thầu trúng thầu phải đảm nhiệm công việc từ khâu phân loại rác, thu gom, vận chuyển cho đến xử lý.

Việc hủy thầu để đấu thầu lại là cơ hội xây dựng lại HSMT, trong đó cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật, đảm bảo quy trình thống nhất, minh bạch, tránh bỏ lỡ cơ hội chọn được nhà thầu có năng lực tốt.

Chuyên đề