Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu có giá 8,501 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 9 - 18/10/2024, do Trường Đại học An Giang làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu; Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Nam An Thịnh tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT. Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Hiệp Thành trúng thầu với giá 7,993 tỷ đồng.
Về phía Công ty TNHH Thành Sơn, báo cáo đánh giá HSDT thể hiện, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm do nhân sự chủ chốt không có chứng chỉ hoặc chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng công trình.
Trong đơn kiến nghị ngày 20/11/2024, Nhà thầu Thành Sơn cho biết, HSMT yêu cầu vị trí chỉ huy trưởng có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình dân dụng hạng III trở lên và chứng chỉ hoặc chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về chỉ huy trưởng công trình. Khi nộp HSDT, nhà thầu nộp thiếu chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về chỉ huy trưởng công trình. Sau khi được yêu cầu bổ sung tài liệu này, nhà thầu lại đăng tải “nhầm” chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu. Do đó, nhà thầu bị kết luận không đạt yêu cầu về nhân sự.
Nhà thầu Thành Sơn cho rằng, theo quy định pháp luật về đấu thầu, trường hợp nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu (nếu có) mà nhà thầu đề xuất trong HSDT không đáp ứng yêu cầu hoặc không chứng minh được khả năng huy động nhân sự, thiết bị thi công, bên mời thầu cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế. Nhà thầu chỉ được phép bổ sung, thay thế một lần đối với từng vị trí nhân sự, thiết bị trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc. Trường hợp không có nhân sự, thiết bị thay thế đáp ứng yêu cầu của HSMT thì nhà thầu bị loại. Căn cứ quy định này, nếu nhận thấy nội dung làm rõ chưa đáp ứng yêu cầu, Bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu thay thế nhân sự theo đúng quy định, thay vì loại ngay. Mặt khác, theo Thành Sơn, điều kiện hành nghề đối với chỉ huy trưởng công trường tại Điều 74 Nghị định 15/2021/NĐ-CP không có quy định về giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng công trường. Do đó, đây không phải tài liệu bắt buộc trong HSMT.
Trong văn bản trả lời kiến nghị ngày 22/11/2024, Bên mời thầu lý giải, theo quy định của mẫu HSMT, “đối với các nội dung làm rõ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm, nếu quá thời hạn làm rõ mà nhà thầu không thực hiện làm rõ hoặc có thực hiện làm rõ nhưng không đáp ứng được yêu cầu làm rõ của Bên mời thầu thì Bên mời thầu đánh giá HSDT của nhà thầu theo HSDT nộp trước thời điểm đóng thầu”. Theo quy định nêu trên, trong quá trình đánh giá HSDT, Bên mời thầu đã yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu. Việc không cung cấp đủ hồ sơ theo yêu cầu hay đính kèm nhầm tài liệu là trách nhiệm của nhà thầu.
Liên quan đến điều kiện hành nghề chỉ huy trưởng, Bên mời thầu cho biết, do công trình triển khai trong khu ký túc xá sinh viên, đồng thời nhằm bảo đảm triển khai đúng tiến độ, HSMT yêu cầu chỉ huy trưởng cần có chứng chỉ hoặc chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng công trình để lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm. Các yêu cầu đã được nêu rất rõ trong HSMT và trong suốt quá trình phát hành HSMT, Bên mời thầu không nhận được bất kỳ văn bản yêu cầu làm rõ hoặc kiến nghị nào. Do đó, nhà thầu có trách nhiệm nghiên cứu và tuân thủ đúng yêu cầu của HSMT. Cũng theo Bên mời thầu, ngoài nhân sự, Nhà thầu Thành Sơn còn bị đánh giá không đáp ứng một số tiêu chuẩn kỹ thuật. Nội dung đánh giá về kỹ thuật này không được thể hiện trong báo cáo đánh giá HSDT do nhà thầu đã bị loại ở bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm, Bên mời thầu không xem xét đánh giá các bước tiếp theo.
Nhìn nhận về vấn đề này, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, pháp luật về đấu thầu chỉ quy định giới hạn số lần đề xuất thay thế nhân sự (1 lần), mà không có quy định giới hạn số lần làm rõ HSDT. Do đó, trường hợp đang trong thời gian đánh giá HSDT, bên mời thầu cần tạo điều kiện, cho phép nhà thầu tiếp tục làm rõ, bổ sung tài liệu về năng lực, kinh nghiệm hoặc đề xuất thay thế nhân sự (1 lần) nếu nhân sự đã kê khai bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu của HSMT nhằm tăng tính cạnh tranh, tránh khiếu nại, khiếu kiện trong đấu thầu.
Cũng theo vị chuyên gia, pháp luật xây dựng đã quy định rõ điều kiện hành nghề đối với chỉ huy trưởng công trình, nên việc HSMT thêm vào các dạng chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh.