Gói thầu xây lắp tại Kim Bôi (Hòa Bình): Căn cứ nào loại Đại Phúc Lâm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Phúc Lâm (trụ sở tại Thanh Hóa) về kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Xây lắp và đảm bảo an toàn giao thông công trình thuộc Dự án Sửa chữa ngầm xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Trong đơn kiến nghị, Nhà thầu cho rằng Bên mời thầu chưa thực sự công tâm, khách quan và tuân thủ quy định trong đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).
Gói thầu Xây lắp và đảm bảo an toàn giao thông công trình thuộc Dự án Sửa chữa ngầm xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu Xây lắp và đảm bảo an toàn giao thông công trình thuộc Dự án Sửa chữa ngầm xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu nêu trên có giá 4,167 tỷ đồng, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu; giao Công ty TNHH Long Tiến Đạt Hòa Bình tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá HSDT; Công ty TNHH Nam Long Hòa Bình thẩm định HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Ngày 19/6/2024, Chủ đầu tư phê duyệt Công ty TNHH Bình Minh trúng thầu với giá 4,149 tỷ đồng. Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Phúc Lâm không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Không đồng ý với kết luận này, ngày 22/6/2024, Đại Phúc Lâm có đơn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo kiến nghị, HSMT yêu cầu nhà thầu “có biểu tiến độ thi công chi tiết cho các hạng mục chính của công trình đảm bảo tính hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất kỹ thuật (đạt/không đạt)”. Tổ chuyên gia đánh giá nhà thầu Đại Phúc Lâm không đạt do thiếu biểu tiến độ thi công chi tiết cho hạng mục an toàn giao thông.

Theo giải trình của Đại Phúc Lâm, hạng mục thi công an toàn giao thông không phải hạng mục chính, chỉ là hạng mục rất nhỏ trong tổng khối lượng mời thầu, Nhà thầu đã thể hiện cùng tiến độ của hạng mục vệ sinh công trình, hoàn thiện bàn giao trong thời gian khoảng 10 ngày sau khi thi công các hạng mục chính của Gói thầu. “Việc Tổ chuyên gia căn cứ vào bản vẽ biện pháp thi công và tiến độ thi công một số hạng mục nhỏ để loại bỏ HSDT của chúng tôi là khiên cưỡng, không phù hợp với HSMT. Bởi lẽ, việc chi tiết hóa biện pháp thi công các hạng mục nhỏ thường được nhà thầu báo cáo chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát trong quá trình triển khai thi công”, nhà thầu Đại Phúc Lâm lý giải.

Bên cạnh đó, nhà thầu Đại Phúc Lâm bị kết luận không đạt do đề xuất thời gian bảo hành 12 tháng, không đáp ứng yêu cầu của HSMT (đề xuất thời gian bảo hành lớn hơn 12 tháng).

Theo quan điểm của Nhà thầu, Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định, đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công không phải công trình cấp đặc biệt và cấp I, thời hạn bảo hành không ít hơn 12 tháng. Như vậy, việc HSMT yêu cầu thời gian bảo hành lớn hơn 12 tháng là không phù hợp quy định pháp luật chuyên ngành, có thể dẫn đến hạn chế nhà thầu.

Ngoài ra, Tổ chuyên gia đánh giá Đại Phúc Lâm không đáp ứng tiêu chí “uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu trong vòng 5 năm trở lại đây (tính từ ngày 1/1/2019 đến thời điểm đóng thầu)”, do Nhà thầu đề xuất cam kết về uy tín tính từ năm 2029. Nhà thầu cho rằng, đây là lỗi soạn thảo văn bản (ghi nhầm năm 2019 thành 2029). Khi xét thầu, Tổ chuyên gia cần yêu cầu Nhà thầu làm rõ thay vì loại ngay HSDT.

Trong công văn phúc đáp, Chủ đầu tư cho biết, việc đánh giá HSDT là hoàn toàn phù hợp với HSMT và các quy định pháp luật liên quan. Trong đó, đối với yêu cầu về bảo hành, thời hạn không ít hơn 12 tháng theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP là khoảng thời gian tối thiểu. Với mong muốn các nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng và có trách nhiệm với sản phẩm của mình, HSMT yêu cầu thời gian bảo hành lớn hơn thời gian tối thiểu theo quy định pháp luật chuyên ngành là phù hợp. Liên quan đến cam kết về uy tín nhà thầu, Chủ đầu tư khẳng định không thuộc trường hợp được làm rõ do đây là nội dung đánh giá về kỹ thuật.

Ngày 2/7/2024, nhà thầu Đại Phúc Lâm tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cùng các cơ quan chức năng, giữ nguyên quan điểm kiến nghị ban đầu.

Một chuyên gia đấu thầu nêu quan điểm, trường hợp HSMT chỉ yêu cầu nhà thầu lập biểu tiến độ chi tiết cho các hạng mục chính của gói thầu, thì nguyên tắc đánh giá HSDT là phải căn cứ vào HSMT theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, trong đó, các hạng mục chính được hiểu là các hạng mục công trình có quy mô, công năng quyết định đến mục tiêu đầu tư của gói thầu, dự án.

Cũng theo vị chuyên gia, các mẫu HSMT ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định, đối với yêu cầu về cam kết, hợp đồng nguyên tắc, nhà thầu được làm rõ HSDT, bổ sung tài liệu trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc để làm cơ sở đánh giá HSDT. Như vậy, ngay cả các cam kết nằm trong nội dung đánh giá về kỹ thuật, nếu nhận thấy chưa bảo đảm, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu bổ sung, làm rõ. Trường hợp hết hạn làm rõ mà nhà thầu không bổ sung, làm rõ thì bên mời thầu mới có cơ sở loại HSDT.

Liên quan đến yêu cầu về thời hạn bảo hành, vị chuyên gia cho rằng, việc HSMT đưa ra các yêu cầu trên mức tối thiểu theo quy định pháp luật về đấu thầu hoặc pháp luật chuyên ngành đều dẫn đến hạn chế cạnh tranh và có thể bị vô hiệu theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Đấu thầu, không phải là căn cứ để đánh giá HSDT.

Chuyên đề