Gói thầu xây lắp tại Bệnh viện Trưng Vương: Nhiều tiêu chí lạ và lạc hậu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) đang trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Thi công xây lắp Khối nhà A, các hạng mục còn lại và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương. Đây là gói thầu lớn, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP.HCM, vốn vay kích cầu. Tuy nhiên, HSMT ngay sau khi phát hành đã bị một số nhà thầu cho rằng có một số nội dung chưa phù hợp với quy định.
Gói thầu Thi công xây lắp Khối nhà A, các hạng mục còn lại và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương có giá hơn 332 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Gói thầu Thi công xây lắp Khối nhà A, các hạng mục còn lại và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương có giá hơn 332 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Tiêu chí... lạ

Một trong những nội dung của HSMT khiến nhiều nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng băn khoăn là các yêu cầu về tài chính. Theo đó, để chứng minh kết quả hoạt động tài chính, doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng, HSMT “yêu cầu báo cáo tài chính từ 2017 - 2019 hoặc 2018 - 2020”.

Thắc mắc của các nhà thầu ở nội dung này chính là, theo quy định, báo cáo tài chính cần cung cấp là từ 3 - 5 năm liên tục trở lại đây. Điều này để chứng minh khả năng tài chính lành mạnh, hoạt động liên tục, không bị gián đoạn của nhà thầu. Do đó, nếu hiểu đúng quy định, yêu cầu này phải là từ 2018 - 2020. Bởi thời điểm mời thầu Gói thầu đã hết quý II/2021, việc bắt buộc nhà thầu phải cung cấp báo cáo tài chính năm 2020 là đương nhiên. Tuy nhiên, HSMT lại yêu cầu nhà thầu nộp báo cáo tài chính 2017 - 2019 (hoặc 2018 - 2020, tức có thể không cần báo cáo tài chính năm 2020) là chưa thực sự bám sát quy định. Các nhà thầu đặt câu hỏi không hiểu lý do gì Bên mời thầu (BMT) lại đưa ra tiêu chí lạ này.

Một tiêu chí lạ nữa của HSMT cũng liên quan đến yêu cầu về nguồn lực tài chính. Đó là việc HSMT yêu cầu: “Trong trường hợp nhà thầu không có tài liệu để chứng minh có các tài sản có khả năng thanh khoản cao hoặc có khả năng tiếp cận với tài sản có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng hoặc các nguồn tài chính khác (không kể các khoản tạm ứng thanh toán theo hợp đồng) thì nhà thầu phải cung cấp: Cam kết tín dụng vô điều kiện của một tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành và cam kết với Chủ đầu tư đảm bảo cung cấp tín dụng cho nhà thầu thực hiện gói thầu này với hạn mức tối thiểu 51 tỷ đồng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng”.

Gói thầu phát hành HSMT từ ngày 14/6 đến ngày 12/7/2021. Ngày 10/6/2021, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương Lê Thanh Chiến ký quyết định phê duyệt HSMT. Theo đó, gói thầu có giá 332.621.952.146 đồng. Gói thầu do Bệnh viện Trưng Vương làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT là Công ty TNHH CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Kiểm định Liên Toàn Cầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, các chuyên gia về đấu thầu đều khẳng định, tiêu chí này không phù hợp và bị nhà thầu phản ánh là có cơ sở. “Cam kết cung cấp tín dụng của ngân hàng cho nhà thầu phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về tín dụng, trong đó có sự ràng buộc và điều kiện giữa hai bên, nên việc HSMT quy định cam kết tín dụng không điều kiện là không phù hợp với thực tế. Không có bất kỳ ngân hàng nào cam kết tín dụng lại không đi kèm với điều kiện cụ thể, chặt chẽ và ràng buộc với doanh nghiệp”, một chuyên gia đấu thầu nêu quan điểm.

Tiêu chí lạc hậu, làm khó nhà thầu

Ngoài các tiêu chí lạ nói trên, HSMT còn bị tố đưa ra nhiều yêu cầu không còn hiệu lực, lạm dụng chứng chỉ đối với các nhân sự, từ đó dẫn tới khó khăn, phát sinh chi phí không cần thiết cho nhà thầu.

Cụ thể, về nhân sự chủ chốt như: chỉ huy trưởng công trình; cán bộ kỹ thuật phụ trách xây dựng; cán bộ kỹ thuật phụ trách cấp thoát nước và cán bộ kỹ thuật phụ trách ngành điện, HSMT đều yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát công trình. “Đây là gói thầu thi công xây dựng, việc yêu cầu nhiều nhân sự phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát là không đúng với quy định”, đại diện một nhà thầu cho biết.

Chiếu theo các quy định hiện hành về hành nghề xây dựng, Nghị định số 100/2018/CP (NĐ100) cũng như Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã không còn yêu cầu bắt buộc chỉ huy trưởng công trình, cán bộ kỹ thuật công trình phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát. Các nhân sự này có thể chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn về bằng cấp, số năm kinh nghiệm tương ứng với vị trí tại các công trình tương tự.

Cụ thể, theo NĐ100, cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng như sau: Đối với hạng I, điều kiện là có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I hoặc đã làm chỉ huy trưởng công trường ít nhất 1 công trình từ cấp I hoặc 2 công trình từ cấp II cùng loại trở lên.

Chuyên đề