Gói thầu xây hồ chứa nước Ka Zam 200 tỷ tại Lâm Đồng: Dấu hỏi trách nhiệm khi hồ sơ mời thầu hạn chế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo UBND Tỉnh về việc kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 12 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối thuộc Dự án Xây dựng hồ chứa nước Ka Zam, huyện Đơn Dương - gói thầu gây ồn ào vì những điểm làm rõ liên quan đến tiêu chí hợp đồng tương tự của hồ sơ mời thầu (HSMT). Theo đó, HSMT được Sở KH&ĐT chỉ ra có nhiều điểm hạn chế nhà thầu, nhưng bỏ ngỏ trách nhiệm để xảy ra những hạn chế đó…
Gói thầu số 12 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ka Zam (Lâm Đồng) được đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Ảnh minh họa: Công Thành
Gói thầu số 12 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ka Zam (Lâm Đồng) được đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Ảnh minh họa: Công Thành

Tiêu chí hạn chế nhà thầu

Gói thầu trên có giá 205,988 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đơn Dương làm Chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn Văn Phú mời thầu. Ngay sau khi HSMT được phát hành (tháng 8/2023), nhiều nhà thầu đã có văn bản làm rõ tiêu chí về hợp đồng tương tự và đề nghị điều chỉnh HSMT. Liên quan đến nội dung này, Báo Đấu thầu đã có bài viết: “Gói thầu thủy lợi hơn 200 tỷ tại Đơn Dương (Lâm Đồng): Điều chỉnh tiêu chí, gia hạn đóng thầu” ra ngày 2/8/2023.

Cụ thể, mục 4 Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của HSMT yêu cầu: trường hợp gói thầu gồm tổ hợp nhiều công trình: từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 1 công trình có loại kết cấu công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn có kết cấu chính gồm: công trình đầu mối hồ chứa nước (có hạng mục đập đất trên nền đất và hạng mục đập đất trên nền đá Hmax > 25m, khối lượng đất đắp tối thiểu 590.000 m3; hạng mục tràn xả lũ dạng phím piano và hạng mục công trình cống lấy nước kết cấu ống thép bọc bê tông cốt thép D1000), cấp II. Theo các nhà thầu, những nội dung trên không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về xây dựng.

Ngày 21/9/2023, Gói thầu được Chủ đầu tư quyết định trao cho Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng thủy lợi Lâm Đồng - Công ty CP Đầu tư và xây dựng 40 - Công ty CP Xây dựng 47, với giá trúng thầu 198,822 tỷ đồng. Nhà thầu còn lại nộp hồ sơ dự thầu là Liên danh Lam Hồng - Phát triển nông thôn - 306 bị loại, do không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.

Để làm rõ những khúc mắc về cuộc thầu, ngày 22/9/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 8299/UBND-KH và sau đó tiếp tục có Văn bản số 8635/UBND-KH ngày 4/10/2023 yêu cầu kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu dự án này.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc. Các cơ sở đối chiếu là khoản 2 Điều 12 và khoản 1 Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Đồng thời, khoản 5 Điều 25 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định: “Trường hợp HSMT có các nội dung dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nêu tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này thì bên mời thầu, tổ chuyên gia không được loại bỏ HSDT không đáp ứng các nội dung này”.

Đặc biệt, mục 2.8.1 Phụ lục II Thông tư số 06/2021/TT-BXD Tiêu chí xác định cấp công trình đập đất, đập đất đá các loại quy định, chỉ cần theo chiều cao đập, mà không có quy định về khối lượng đất đắp tối thiểu, quy định kết cấu, quy mô của cống lấy nước, tràn xả lũ.

“Căn cứ các quy định nêu trên, việc HSMT yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự có khối lượng đất đắp tối thiểu 590.000 m3, hạng mục tràn xả lũ kết cấu bê tông cốt thép có bố trí dốc nước và bể tiêu năng, hạng mục công trình cống lấp nước kết cấu ống thép bọc bê tông cốt thép D ≥ 1000 (các yêu cầu này được mời thầu theo hồ sơ thiết kế của dự án) dẫn đến làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu…”, Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ.

Cũng theo Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng, HSMT yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự có 1 công trình giao thông đường bộ, mặt đường bê tông xi măng, cấp IV. Nội dung yêu cầu “công trình giao thông đường bộ” là chưa phù hợp theo mục 1.4.1.5 Phụ lục I Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng mà phải là “đường giao thông nông thôn”.

4 lần làm rõ, 1 lần kiến nghị và bỏ lửng trách nhiệm

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng, Gói thầu số 12 trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu đã có 4 văn bản làm rõ HSMT, 1 kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, từ phía Bên mời thầu chỉ bỏ 1 chi tiết, đó là “dạng đập tràn bàn phím piano”, còn các tiêu chí khác giữ nguyên. Tại thời điểm Sở KH&ĐT kiểm tra, Chủ đầu tư và Nhà thầu đã ký kết hợp đồng thi công xây dựng.

Sở KH&ĐT Lâm Đồng cho rằng, qua kiểm tra, nếu không đánh giá các tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhà thầu trong HSMT, Liên danh Lam Hồng - Phát triển nông thôn - 306 vẫn không đạt về kỹ thuật. “Do kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu không thay đổi nên không thuộc các trường hợp hủy thầu theo quy định tại Điều 17 Luật Đấu thầu”, Sở KH&ĐT nêu và đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo Chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng với Nhà thầu trúng thầu.

Theo một số chuyên gia đấu thầu, Gói thầu số 12 có giá trị lớn, do đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt HSMT cần được làm cẩn trọng, đúng pháp luật để tạo điều kiện cho đông đảo nhà thầu tham gia theo tinh thần cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, việc Sở KH&ĐT chỉ ra nhiều điểm hạn chế tại HSMT cho thấy, công tác lập, thẩm định, phê duyệt HSMT được làm chưa chuẩn, để tồn tại những tiêu chí hạn chế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, khâu giám sát, nắm bắt dư luận về những bất cập của công tác đấu thầu cũng bộc lộ bất cập. Việc Sở KH&ĐT phát hiện tiêu chí hạn chế nhà thầu trong HSMT nhưng lại đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo Chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng với Nhà thầu trúng thầu chẳng khác gì chấp nhận “sự đã rồi” và bỏ trống việc làm rõ trách nhiệm của những cá nhân/tập thể để xảy ra sai sót, hạn chế đó.

“Chủ đầu tư, bên mời thầu, đặc biệt là tổ chuyên gia cần chịu trách nhiệm khi xây dựng, phê duyệt HSMT có “sạn”, dẫn tới hạn chế cạnh tranh, phát sinh khiếu nại kéo dài, mất niềm tin từ phía các nhà thầu”, vị chuyên gia cho biết.

Chuyên đề