Gói thầu xây hồ chứa nước 178 tỷ đồng tại Cao Bằng: Vì sao nhà thầu bị loại phản ứng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng (Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 12 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Cụm hồ chứa nước tỉnh Cao Bằng. Tham dự thầu với giá cạnh tranh hơn đối thủ, song sớm bị loại tại vòng đánh giá năng lực, kinh nghiệm, Công ty CP Xây dựng Thủy lợi I đã có công văn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Xây dựng Thủy lợi I đã có công văn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 12 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Cụm hồ chứa nước tỉnh Cao Bằng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Xây dựng Thủy lợi I đã có công văn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 12 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Cụm hồ chứa nước tỉnh Cao Bằng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá dự toán 178,277 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 11/11 - 8/12/2022, do Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng) tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nông thôn - Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Bằng Ninh - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Ngọc Trường - Công ty CP Xây dựng và Phát triển nông thôn I Cao Bằng trúng thầu với giá 177,954 tỷ đồng.

Cho rằng quá trình đánh giá HSDT chưa thực sự khách quan, ngày 28/12/2022, Công ty CP Xây dựng Thủy lợi I có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư và các cơ quan chức năng. Theo đơn kiến nghị, trong quá trình đánh giá HSDT, Nhà thầu được Tổ chuyên gia yêu cầu làm rõ nhiều nội dung, trong đó có những điểm bất cập, không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật chuyên ngành xây dựng.

Cụ thể, đối với yêu cầu về nhân sự chủ chốt, tại HSDT, Nhà thầu đề xuất vị trí chỉ huy trưởng có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình NN&PTNT hạng II. Tuy nhiên, Tổ chuyên gia yêu cầu Nhà thầu cung cấp thêm tài liệu chứng minh nhân sự này đã có kinh nghiệm làm chỉ huy trưởng tại một gói thầu thủy lợi cấp II tương tự. Yêu cầu này là không chính đáng, bởi Điểm b, Khoản 1, Điều 74, Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định “cá nhân được đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường hạng II khi đáp ứng điều kiện: có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II hoặc đã làm chỉ huy trưởng ít nhất 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III cùng lĩnh vực trở lên”.

Đối với các vị trí cán bộ kỹ thuật trực tiếp thi công công trình thủy lợi, Tổ chuyên gia đề nghị Nhà thầu bổ sung chứng chỉ hành nghề giám sát công trình NN&PTNT hạng III của từng nhân sự. Theo Công ty CP Xây dựng Thủy lợi I, pháp luật xây dựng hiện hành không có quy định cụ thể về điều kiện năng lực đối với cá nhân phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp. Mặt khác, Khoản 4, Điều 62, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định, cá nhân không có chứng chỉ hành nghề được tham gia các hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và không được hành nghề độc lập... “Như vậy, đối chiếu với HSDT đã nộp, nhân sự của nhà thầu phải được đánh giá là đáp ứng khi đã được đào tạo đúng chuyên ngành thủy lợi và có số năm kinh nghiệm phù hợp”, Nhà thầu phân tích.

Cũng theo Nhà thầu, việc Tổ chuyên gia yêu cầu đề xuất chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình hạng III đối với vị trí cán bộ trắc đạc là không phù hợp, bởi dạng chứng chỉ này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hành nghề khảo sát, trong khi Gói thầu đang xét có phạm vi thi công.

Về kinh nghiệm, Nhà thầu khẳng định đã đáp ứng khi kê khai 5 hợp đồng tương tự với quy mô và tính chất theo yêu cầu của HSMT. Tuy nhiên, Tổ chuyên gia vẫn liên tục đưa ra các yêu cầu làm rõ.

“Sau khi nhận được yêu cầu làm rõ, Nhà thầu đã giải trình, bổ sung đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, Chủ đầu tư không có bất kỳ phản hồi nào về nội dung trả lời làm rõ của Nhà thầu, mà “vội vàng” phê duyệt danh sách nhà thầu đạt đánh giá kỹ thuật và tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính. Trên thực tế, nếu được mở hồ sơ đề xuất tài chính, thì mức giảm giá mà Nhà thầu đề xuất là hơn 2 tỷ đồng so với giá dự toán gói thầu”, đại diện Công ty CP Xây dựng Thủy lợi I cho hay.

Trao đổi với phóng viên, bà Đoàn Thị Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu cho biết, Chủ đầu tư chưa nhận được đơn kiến nghị của Nhà thầu. Bà Thảo cho biết, Công ty CP Xây dựng Thủy lợi I đã kê khai 5 hợp đồng tương tự đạt về quy mô. Tuy nhiên xét về tính chất, hợp đồng lớn nhất mà Nhà thầu kê khai bị thiếu 1 trong số 4 hạng mục theo yêu cầu của HSMT (đập đất, đập tràn, khoan phụt chống thấm nền, cống lấy nước). Do đó, Nhà thầu bị đánh giá không đạt yêu cầu về hợp đồng tương tự.

“Đối với phản ánh về nhân sự, quá trình 27 ngày phát hành HSMT đủ dài để các nhà thầu rà soát, xem xét và đề nghị làm rõ HSMT khi cần thiết. Tuy nhiên, Chủ đầu tư đã không nhận được bất kỳ văn bản yêu cầu làm rõ nào của Nhà thầu. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Nhà thầu kiến nghị nội dung liên quan đến tiêu chí đánh giá nhân sự là không chính đáng”, bà Thảo thông tin.

Theo đại diện Chủ đầu tư, dự kiến công trình sẽ được khởi công trong vòng 1 tháng tới, khi sự chuẩn bị của nhà thầu trúng thầu hoàn tất và điều kiện về thời tiết thuận lợi.

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin về quá trình giải quyết kiến nghị tại gói thầu nêu trên.

Chuyên đề