Gói thầu số 01 Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi có giá 8,869 tỷ đồng, thuộc Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Sóc Trăng. Ảnh minh họa: Minh Phong |
Gói thầu có giá 8,869 tỷ đồng (tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 992 tỷ đồng), phát hành HSMT từ ngày 19/10 - 15/11/2023, do Công ty TNHH Quí Tường tư vấn lập HSMT.
Theo phản ánh của một số nhà thầu, HSMT gây khó ngay từ bước đánh giá tính hợp lệ của nhà thầu khi quy định: “Đơn vị tư vấn phải là cơ quan hoặc một nhóm các cơ quan với > 10 năm kinh nghiệm, có chứng chỉ hoạt động thiết kế xây dựng còn hiệu lực đối với với các loại công trình bao gồm: công trình NN&PTNN (thủy lợi), công trình giao thông, công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật (các công trình phải từ hạng III trở lên), có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng về khảo sát địa hình và khảo sát địa chất hạng III trở lên. Đối với trường hợp liên danh, tất cả các thành viên trong liên danh đều phải đáp ứng yêu cầu này”. Với điều kiện tiên quyết này, nhiều nhà thầu đã bị “sàng lọc” ngay từ bước đầu.
Về kinh nghiệm, HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện hoàn thành dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó: có 1 hợp đồng KS, lập BCNCKT dự án nhóm B hoặc 1 hợp đồng KS, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A; có ít nhất 1 dự án có đầy đủ các hạng mục công trình gồm: đường giao thông láng nhựa hoặc thảm nhựa, cầu HL93, công trình NN&PTNT (có hạng mục kè, nạo vét kênh, cống), công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật (có hạng mục điện chiếu sáng, thoát nước, vỉa hè, cây xanh); đã từng KS, thiết kế lập BCNCKT dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản sử dụng vốn WB (ít nhất 1 dự án). Trong đó, HSMT quy định trường hợp dự thầu theo liên danh, thì liên danh không được quá 2 thành viên, thành viên đứng đầu liên danh phải đảm nhận > 50% giá trị gói thầu.
Các nhà thầu cho rằng, việc HSMT liệt kê quá chi tiết về các điều kiện tương tự, đồng thời giới hạn nguồn vốn, địa bàn thực hiện hợp đồng tương tự, số lượng/giá trị liên danh như trên là vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, gây cản trở sự tham dự của không ít nhà thầu.
Cũng theo phản ánh, về nhân sự, HSMT yêu cầu vị trí chuyên gia tư vấn nuôi trồng thủy sản phải có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ tiếng Khmer. Yêu cầu này rất bất hợp lý, gây hạn chế nhà thầu. Đồng thời, yêu cầu nhân sự an toàn lao động cho gói thầu tư vấn thiết kế là không hợp lý.
Trong công văn phúc đáp nhà thầu ngày 3/11/2023, Bên mời thầu cho biết, Dự án đang mời thầu có sử dụng vốn vay của WB, nên mọi tiêu chí tại HSMT đều phải bảo đảm tuân thủ Đề cương tham chiếu dịch vụ tư vấn KS, lập BCNCKT và chính sách môi trường, xã hội đã được WB phê duyệt, đó là “tuyển chọn được công ty và nhóm tư vấn đủ năng lực lập báo cáo khả thi dự án”. Với yêu cầu về nhân sự, Bên mời thầu lý giải, mục tiêu của việc đấu thầu là tuyển chọn được các chuyên gia có trình độ cao, nhân sự có trình độ thạc sĩ trở lên mới có thể đáp ứng năng lực thực hiện công việc nghiên cứu. “Chúng tôi đã thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ, đó là tìm các chuyên gia có khả năng làm việc theo nhóm, có kinh nghiệm, khả năng giao tiếp, làm việc trong môi trường đa văn hóa. Cụ thể, Dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nên yêu cầu như tại HSMT là phù hợp”, Bên mời thầu phân tích.
Không đồng tình, các nhà thầu tiếp tục có văn bản phản biện với lý do, mặc dù Bên mời thầu khẳng định HSMT tuân thủ Đề cương tham chiếu dịch vụ tư vấn KS, lập BCNCKT và chính sách môi trường, xã hội đã được WB phê duyệt (có đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia kèm theo HSMT), song thực tế đối chiếu Đề cương cho thấy, HSMT thêm vào các điều kiện tương tự như: “đã thực hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”; “cầu HL93”... “Sự sai khác này có thể dẫn đến vi phạm thỏa thuận nhà tài trợ, hạn chế cạnh tranh”, các nhà thầu quan ngại.
Theo một chuyên gia về đấu thầu, theo quy định tại Điều 3 Luật Đấu thầu 2013, đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi phát sinh từ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về lựa chọn nhà thầu khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó. “Như vậy, trong trường hợp này, HSMT được trình WB thẩm định và WB đã có ý kiến không phản đối trước khi thực hiện, là bảo đảm cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà thầu”, vị chuyên gia bình luận.
Ngày 15/11, Gói thầu số 01 được mở thầu với sự tham dự của Công ty CP Tư vấn xây dựng HTV. Theo tìm hiểu, nhà thầu này hiện đang thực hiện hợp đồng một số gói thầu tư vấn trên địa bàn Sóc Trăng như: Gói thầu số 05 Giám sát thi công xây dựng thuộc Dự án Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 45 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Sóc Trăng; Gói thầu số 06 Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ và cư xá công nhân Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng...