Gói thầu Trường Tiểu học Đông Ninh (Thanh Hóa): Tiêu chí mời thầu không chuẩn bị phản ứng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa mở thầu Gói thầu số 02 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình (bao gồm bảo hiểm) thuộc Dự án Trường Tiểu học Đông Ninh; hạng mục: hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ. Gói thầu có giá 5,18 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 5/9 - 18/9/2024. Trong thời gian phát hành HSMT, bên mời thầu (BMT) nhận được nhiều đề nghị làm rõ, kiến nghị sửa đổi tiêu chí từ phía nhà thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đơn cử, tại Bảng số 2 Yêu cầu về nhân sự chủ chốt (mục 2 Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, Chương III Tiêu chuẩn đánh giá HSDT) đối với vị trí chỉ huy trưởng, cột “Chứng chỉ, trình độ chuyên môn” HSMT yêu cầu nhân sự chỉ huy trưởng tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp; đủ điều kiện hành nghề chỉ huy trưởng công trường công trình dân dụng hạng III trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành; chứng chỉ hành nghề giám sát công trình dân dụng/hạ tầng kỹ thuật hạng III còn hiệu lực hoặc đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng ít nhất 1 công trình dân dụng/hạ tầng kỹ thuật cấp III trở lên; kinh nghiệm đã đảm nhận vị trí chỉ huy trưởng công trình dân dụng cấp III trở lên… Nhà thầu cho rằng, HSMT quy định kinh nghiệm của nhân sự chỉ huy trưởng ở cột “Chứng chỉ, trình độ chuyên môn” là không phù hợp. Ngoài ra, đây là công trình dân dụng, việc HSMT yêu cầu chỉ huy trưởng có chứng chỉ hành nghề giám sát công trình hạ tầng kỹ thuật liệu có đúng với pháp luật xây dựng.

HSMT còn yêu cầu cán bộ phụ trách an toàn lao động, vệ sinh môi trường tốt nghiệp chuyên ngành thuộc khối xây dựng; có chứng chỉ hành nghề an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Theo nhà thầu, pháp luật về công tác an toàn lao động không yêu cầu về chứng chỉ, trình độ chuyên môn đối với vị trí công việc này và đề xuất BMT sửa đổi quy định cho phù hợp.

Tại phần “Uy tín nhà thầu”, HSMT quy định, nhà thầu không vi phạm một trong các hành vi gồm: không thương thảo hợp đồng, có quyết định trúng thầu nhưng không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng; thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và có lịch sử không hoàn thành hợp đồng do lỗi của nhà thầu thì được đánh giá Đạt. Nhà thầu có hợp đồng tương tự không hoàn thành, có hành vi nêu trên sẽ được đánh giá Không đạt. Dẫn chiếu Điều 18 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, nhà thầu cho rằng việc loại HSDT nếu nhà thầu có các hành vi như trên là không đúng quy định pháp luật.

Phúc đáp nhà thầu, BMT cho biết đối với nhân sự chỉ huy trưởng, tiêu chí “chứng chỉ hành nghề giám sát công trình dân dụng/hạ tầng kỹ thuật hạng III còn hiệu lực hoặc đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng ít nhất 1 công trình dân dụng/hạ tầng kỹ thuật cấp III trở lên” được sửa thành “chứng chỉ hành nghề giám sát công trình dân dụng và công nghiệp hạng III trở lên còn hiệu lực hoặc đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng ít nhất 1 công trình dân dụng cấp III trở lên”. Yêu cầu với cán bộ phụ trách an toàn lao động, vệ sinh môi trường được điều chỉnh thành “có giấy chứng nhận huấn luyện an toàn, vệ sinh môi trường”.

Nội dung về “Uy tín nhà thầu” chưa được BMT làm rõ. BMT cho biết, đơn vị tư vấn đề nghị các nhà thầu cứ dự thầu. Trong quá trình đánh giá HSDT, tư vấn sẽ đánh giá công bằng, cạnh tranh và làm rõ HSDT, cũng như rà soát lại toàn bộ tiêu chí bảo đảm theo pháp luật đấu thầu...

Theo chuyên gia đấu thầu, đối với vị trí chỉ huy trưởng của công trình dân dụng, các chuyên ngành như kỹ thuật xây dựng, công nghệ kỹ thuật xây dựng đều phù hợp và có thể đáp ứng được yêu cầu. Việc đưa ra yêu cầu vị trí chỉ huy trưởng có “chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình dân dụng” sẽ làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu có nhân sự chỉ huy trưởng tốt nghiệp các chuyên ngành nêu trên.

Đối với cán bộ an toàn lao động, quy định “tốt nghiệp chuyên nghành thuộc khối xây dựng”, mặc dù có phạm vi rộng, nhưng lại bỏ sót các nhân sự tốt nghiệp chuyên ngành an toàn lao động, bảo hộ lao động có khả năng đảm nhận vị trí này.

Chuyên gia đấu thầu cho biết, việc loại HSDT của nhà thầu nếu có hành vi vi phạm “không thương thảo hợp đồng, có quyết định trúng thầu nhưng không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng” là không đúng quy định. Bởi, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, việc nhà thầu có tên trong danh sách không bảo đảm uy tín trong việc tham dự thầu, khi tham dự thầu (ở các gói thầu tiếp theo) phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu với giá trị gấp 3 lần giá trị yêu cầu đối với nhà thầu khác trong thời hạn 2 năm kể từ lần cuối cùng thực hiện các hành vi; nhà thầu không bị loại HSDT vì lý do này. Ngoài ra, lịch sử không hoàn thành hợp đồng do lỗi của nhà thầu đã được đưa ra đánh giá tại mục năng lực kinh nghiệm nên không cần thiết quy định thêm tại mục “Uy tín nhà thầu”.

Chuyên gia đấu thầu cũng nêu quan điểm, việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào HSMT, HSDT, các tài liệu giải thích, làm rõ của nhà thầu. Do đó, BMT cần làm rõ cụ thể, sửa đổi tiêu chí HSMT (nếu có) để làm căn cứ, tiêu chuẩn khi đánh giá HSDT; tránh xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.

Ngày 18/9, Gói thầu được mở thầu với sự tham dự của Công ty TNHH Xây dựng Giao thông thủy lợi Tân Hạnh. Từ năm 2022 - nay, nhà thầu này được công khai trúng gần 30 gói thầu xây lắp quy mô dưới 15 tỷ đồng, chủ yếu tại các xã thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Chuyên đề