Một gói thầu được nhận định sẽ không có hiệu quả nhiều mặt, nhưng vẫn được triển khai vì ý thích của lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Gia Nguyễn |
Tỉnh nghèo chịu chơi
Một gói thầu trồng mới cây xanh trong nội đô của một tỉnh nghèo ở khu vực Đông Nam Bộ đang trở thành mối quan tâm của nhiều nhà thầu trong lĩnh vực cung cấp cây xanh. Theo HSMT, khoảng 800 cây xanh sẽ được trồng mới ở khu vực nội đô, trung tâm của tỉnh, với tổng chiều dài các tuyến đường trồng cây khoảng 4km. Tổng kinh phí để mua, trồng 800 cây xanh khoảng 8,7 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Câu chuyện sẽ không trở thành đề tài tranh luận của các nhà thầu trong lĩnh vực cây xanh nếu như HSMT không yêu cầu đích danh cây cẩm lai. Cây cẩm lai được trồng có đường kính khoảng 8-10cm, cao khoảng 4m. Tính ra, dù mua sỉ (theo số lượng lớn) thì chi phí cho mỗi cây cẩm lai đã lên tới 10,7 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, cẩm lai là một loại cây gỗ thuộc dạng quý và việc trồng cẩm lai đại trà trên tuyến phố được coi là rất… “chịu chơi”. Tuy nhiên, cẩm lai có phù hợp để trồng trên các tuyến phố nội đô hay không? Và có địa phương nào đã từng cho trồng loại cây này trên các tuyến phố?
Tháng 5/2016, TP. Đà Nẵng công bố danh mục các loại cây khuyến khích, hạn chế và cấm trồng trong đô thị. Theo đó, cẩm lai nằm trong 39 loại cây xanh thuộc loại hạn chế trồng, bên cạnh bàng Đài Loan (bàng lá nhỏ); bàng ta; bàng vuông (chiếc bàng, thuốc cá); sò đo cam (hồng kỳ, chuông đỏ); muồng hoa đào… Theo lý giải của UBND TP. Đà Nẵng, cây xanh thuộc danh mục cây hạn chế trồng là những cây có đặc điểm sinh học gây ảnh hưởng nhất định đến sự an toàn, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường… như cây ăn quả thu hút côn trùng, cây có hoa quả tạo ra mùi khó chịu hoặc cây có rễ nổi, rễ phụ phát triển mạnh làm hư hại, mất mỹ quan công trình.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, các chuyên gia về cây xanh, công viên cho biết, cây cẩm lai là loại gỗ cứng nhưng giòn, dễ gẫy. Trồng cẩm lai ở ven đường có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, hay dân cư ven đường. Trồng cây cẩm lai dọc tuyến đường nội đô là không phù hợp, bởi bộ rễ cây sẽ phá vỉa hè khi trưởng thành. Mặt khác, cành cẩm lai khi gió to dễ bị gãy.
Đi ngược tinh thần của Luật Đấu thầu
Như vậy, tại gói thầu này, Bên mời thầu không có nhiều phương án để đánh giá và lựa chọn được nhà thầu có khả năng cung cấp chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh nhất. Còn các nhà thầu thì buồn bã chào thua, vì “đề bài khó như bắc thang lên hỏi ông trời. Mà cũng chỉ có nhà thầu nào có thông tin sớm, có sự chuẩn bị từ lâu mới đáp ứng được tiêu chí HSMT đặt ra”.
Cái sự “may” của bên mời thầu trong câu chuyện nêu trên nghe thật trớ trêu, vì nó chỉ “may” cho người đã phê duyệt chủ trương, may cho bên mời thầu đã làm vừa ý cấp trên. Còn đối với nguồn ngân sách chi ra đã “xui” không tiết kiệm được đồng nào. Các nhà thầu cũng “xui” vì không thể dự thầu với một HSMT ngoài tầm với.
Toàn bộ câu chuyện được Bên mời thầu chia sẻ đã không có thông tin cho thấy sự cần thiết, phù hợp của loại cây này đối với khu vực sẽ trồng. Bên mời thầu chỉ khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: “Chủ tịch tỉnh nói là thích và chọn cây này. Đó sẽ là dấu ấn của địa phương này”.
Nhìn nhận câu chuyện gói thầu trồng cây xanh theo góc độ đấu thầu cho thấy có nhiều điều còn băn khoăn. Thứ nhất, HSMT đưa ra tiêu chí mà chỉ có một nhà thầu đáp ứng được đã thể hiện tính thiếu cạnh tranh. Thứ hai, quan ngại của nhà thầu cho rằng, chỉ có nhà thầu nào nắm rõ chủ trương từ trước thì mới có khả năng đáp ứng các tiêu chí đã thể hiện tính thiếu công bằng. Thứ ba, việc chi 8,7 tỷ đồng để trồng cây xanh trên 4 km đường nội đô với một loại cây quý, chưa phổ biến, nhiều quan ngại về sự phù hợp, an toàn thể hiện sự thiếu hiệu quả kinh tế.
Khi người dân bày tỏ lo ngại về việc trồng cẩm lai có thể ảnh hưởng đến công trình giao thông hiện hữu thì địa phương cho biết đã có phương án xử lý. Theo đó, tại vị trí trồng cây được đặt một ống cống chìm có đường kính 1m nhằm không cho cây ăn rễ nổi. Mặt khác, khi cây phát triển mạnh, cành sẽ được cắt tạo tán dù nhằm hạn chế gió làm gãy. Như vậy, vì đã “chịu chơi” ngay từ khâu phê duyệt chủ trương, nên tỉnh này dám “cắn răn” chịu chi cho cả tương lai khi kinh phí để thực hiện các gói thầu chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trên tuyến phố trồng cẩm lai sẽ cao hơn nhiều so với loại cây khác. Và tất nhiên, chi phí này cũng được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước.