Gói thầu thủy lợi tại Khánh Hòa có hạn chế cạnh tranh?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một gói thầu thi công xây dựng kênh có dự toán 14 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đã đưa ra những yêu cầu mà theo một nhà thầu là quá cao.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đó là trường hợp Gói thầu Thi công xây dựng công trình kênh và công trình trên kênh Hòa Huỳnh đoạn từ K0+00 - K2+595; Buy Ruột Ngựa đoạn 2 từ K1+974 - K3+735 thuộc Dự án Hệ thống kênh Hòa Huỳnh - Bốn Tổng - Buy Ruột Ngựa.

Thông báo mời thầu đăng tải ngày 24/3/2021, đóng thầu ngày 5/4/2021. Một ngày sau khi hồ sơ mời thầu (HSMT) được đăng tải, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa - CTCP (gọi tắt là Nhà thầu) đã có văn bản đề nghị làm rõ HSMT.

Theo Nhà thầu, tiêu chí yêu cầu trong HSMT quá cao so với quy định. Cụ thể, đối với các nhân sự chỉ huy trưởng công trường, cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công tại công trường, cán bộ phụ trách hồ sơ quản lý chất lượng, thanh quyết toán công trình, ngoài yêu cầu về chuyên ngành, chứng chỉ, còn yêu cầu đã tham gia ít nhất 3 công trình hoặc gói thầu tương tự ở vai trò này trong vòng 3 năm gần đây (từ năm 2018 trở lại đây), được chủ đầu tư xác nhận hoặc có tên trong biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật về vệ sinh môi trường trong HSMT yêu cầu “nhà thầu phải có hợp đồng nguyên tắc vận chuyển thu gom, xử lý chất thải cho gói thầu này với đơn vị có chức năng vệ sinh môi trường trên địa bàn hoặc khu vực thi công” là không phù hợp ở giai đoạn phát hành HSMT. Theo Nhà thầu, đây là một dạng “giấy phép con” được cài cắm trong HSMT.

Phản hồi Nhà thầu, Bên mời thầu lập luận yêu cầu nhân sự chủ chốt tại HSMT là không trái quy định, do yêu cầu thực tế hiện trường phức tạp với hệ thống kênh trải dài, xen lẫn khu dân cư, phải thi công trong điều kiện vừa phục vụ tưới sản xuất vừa thi công nên cần có đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm để triển khai thi công kịp tiến độ. Về yêu cầu liên quan đến hợp đồng thu gom, xử lý chất thải, Bên mời thầu cũng cho rằng không trái quy định, căn cứ theo Thông tư 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, sau đó, Nhà thầu tiếp tục có văn bản thể hiện không đồng thuận với ý kiến làm rõ của Bên mời thầu và kiến nghị sửa đổi HSMT.

Theo một chuyên gia đấu thầu, kinh nghiệm của các nhân sự chủ chốt trong việc thi công các hợp đồng tương tự được tích lũy trong suốt quá trình làm việc, nếu như pháp luật chuyên ngành không bắt buộc, gói thầu không đặc thù, việc đưa ra yêu cầu tham gia 3 gói thầu trong vòng 3 năm gần đây có thể gây khó cho nhiều nhà thầu có nhân sự đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia. Ví dụ, có thể loại những nhà thầu có nhân sự chủ chốt 10 - 15 năm kinh nghiệm, vẫn đang làm việc liên tục, đã tham gia nhiều gói thầu tương tự hoặc lớn hơn, phức tạp hơn nhưng không trong khoảng thời gian 3 năm gần đây.

Đối với quy định về hợp đồng thu gom xử lý chất thải, chuyên gia đấu thầu cho rằng Thông tư 08/2017/TT-BXD quy định trước khi xây dựng công trình, chủ nguồn thải phải bố trí thiết bị hoặc khu vực lưu giữ chất thải rắn xây dựng trong khuôn viên công trường hoặc tại địa điểm theo quy định của chính quyền địa phương, đồng thời ký hợp đồng với chủ thu gom, vận chuyển và chủ xử lý chất thải rắn xây dựng để vận chuyển, xử lý hoặc tự xử lý tại nơi phát sinh, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất thải. Để tạo thuận lợi cho nhà thầu, thời điểm có hợp đồng với bên thu gom rác tại địa phương có thể là sau khi nhà thầu được công bố trúng thầu, thương thảo hợp đồng. Còn đưa ngay vào HSMT, nếu xảy ra chuyện địa phương chỉ cấp văn bản chấp thuận đổ thải cho nhà thầu quen nào đó thì đã làm mất cơ hội của nhiều nhà thầu khác.

Chuyên đề