Phạm vi mua sắm của Gói thầu Thiết bị trường học tại huyện Bù Đăng (Bình Phước) gồm thiết bị đồ gỗ, thiết bị âm thanh, thiết bị điện tử/tin học. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu nêu trên có giá hơn 2,3 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư của Dự án là 12,8 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bù Đăng làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Tư vấn kỹ thuật công nghệ là bên mời thầu (BMT), phát hành HSMT từ ngày 21/11 đến ngày 2/12/2022. Cập nhật mới nhất cho thấy, BMT đã lùi thời điểm đóng thầu sang ngày 7/12/2022.
Phạm vi mua sắm của Gói thầu gồm thiết bị đồ gỗ (bàn ghế, tủ, kệ, bảng viết, đồ chơi ngoài trời), thiết bị âm thanh (amply, loa, mic), thiết bị điện tử/tin học (tủ lạnh, tivi, máy tính). Theo các nhà thầu, đây là những sản phẩm thông dụng, sẵn có trên thị trường, nhà thầu chỉ cung cấp, lắp đặt và bàn giao chứ không chuyển giao công nghệ phức tạp. Tuy nhiên, HSMT yêu cầu quá cao về nhân sự chủ chốt. Cụ thể, HSMT yêu cầu cán bộ kỹ thuật phụ trách lắp đặt thiết bị đồ gỗ, kiểm tra chất lượng đồ gỗ tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành: nông lâm nghiệp/chế biến lâm sản/chế biến gỗ/kiến trúc sư/nội thất công trình; cán bộ kỹ thuật phụ trách lắp đặt thiết bị điện tử/tin học, nhân sự phụ trách chỉ huy chung việc cung cấp và lắp đặt thiết bị có bằng đại học trở lên thuộc các chuyên ngành: điện/điện kỹ thuật/điện tử viễn thông/cơ khí/công nghệ thông tin/tin học/máy tính, có chứng nhận bồi dưỡng/chứng chỉ hành nghề giám sát công tác lắp đặt thiết bị công nghệ/công trình còn hiệu lực.
Theo các nhà thầu, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT không yêu cầu nhà thầu phải đề xuất nhân sự chủ chốt tham gia phần công việc cung cấp hàng hóa. Tuy nhiên, BMT không những bắt buộc số lượng nhiều nhân sự chủ chốt mà đi kèm với chứng chỉ hành nghề. Đây là các tiêu chí có thể hạn chế nhà thầu tham dự.
Một nội dung khác khiến các nhà thầu quan tâm đến Gói thầu rất băn khoăn là yêu cầu mức độ đáp ứng về bảo hành, bảo trì. Theo đó, Mục 6.2 về khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác yêu cầu: “Có đề xuất biện pháp kỹ thuật hợp lý để huy động đội ngũ kỹ thuật tới nơi sử dụng trong vòng 1 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Chủ đầu tư để khắc phục sự cố thiết bị xảy ra trong thời gian bảo hành (kèm theo tài liệu chứng minh nếu có)”.
Theo đánh giá của các nhà thầu, yêu cầu đội ngũ kỹ thuật có mặt trong vòng 1 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu là quá gấp gáp, rất khó để nhà thầu xoay xở kịp. “Thông thường, việc khắc phục sự cố thiết bị được các BMT yêu cầu trong vòng 24 giờ, 8 giờ đồng hồ. Yêu cầu trong vòng 1 giờ thực sự khó với cả đơn vị có trụ sở tại địa bàn Tỉnh chứ chưa nói tới nhà thầu đến từ tỉnh khác”, một nhà thầu cho biết.
Thực tế, một nhà thầu đã liên hệ với đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ này tại thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) nhưng thời gian để đến Bù Đăng phải mất 2,5 giờ, do đó không thể đáp ứng tiêu chí này.
Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều gói thầu mua sắm thiết bị dạy học hiện nay, không có BMT nào đưa ra yêu cầu về thời gian khắc phục sự cố quá ngắn như Gói thầu tại Bù Đăng.
Trao đổi với phóng viên, một số đơn vị tư vấn đấu thầu băn khoăn về tính khả thi của yêu cầu này. Tùy tính chất của từng gói thầu, mỗi BMT có thể đưa ra các yêu cầu khắc phục sự cố cụ thể. Tuy nhiên, yêu cầu nào cũng phải căn cứ vào tính khả thi, khả năng đáp ứng của số đông nhà thầu. Xét từ nhiều phương diện, việc chỉ cho nhà thầu 1 giờ để có mặt khắc phục sự cố là không khả thi, không tạo cơ hội cho nhà thầu cạnh tranh do đây là tiêu chí đánh giá đạt/không đạt.
Trong khi đó, trả lời công văn đề nghị làm rõ HSMT của nhà thầu, Công ty TNHH MTV Tư vấn kỹ thuật công nghệ cho biết, yêu cầu này hợp lý do “phạm vi hàng hóa Gói thầu cung cấp có thiết bị điện, điện tử, hệ thống máy tính phòng tin học, phục vụ dạy và học, cần thiết phải đến kịp thời để khắc phục khi có sự cố, đảm bảo việc dạy và học được liên tục, đảm bảo quyền lợi của đơn vị thụ hưởng”. Do đó, Bên mời thầu bảo lưu các tiêu chí nêu trên.