![]() |
Gói thầu PTV01 Quản lý vận hành hệ thống thoát nước các lưu vực: Nam thành phố, Tây thành phố, Bến Nghé - Quận 4, Bắc Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm và tuyến đường rừng Sác bị kiến nghị nhiều tiêu chí. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu nêu trên thuộc Dự toán mua sắm Cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước duy tu thoát nước; kiểm soát ngập và ô nhiễm; vận hành các trạm bơm, cống kiểm soát triều trên địa bàn TP.HCM (từ ngày 1/4/2025 đến ngày 31/3/2030). Biên bản mở thầu ngày 6/3/2025 ghi nhận duy nhất Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM dự thầu với giá 1.917,724 tỷ đồng.
Trước đó, Gói thầu phát sinh nhiều đề nghị làm rõ, kiến nghị liên quan đến yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) về chứng chỉ năng lực thi công, thiết bị, cơ sở vật chất…
Nhà thầu cho rằng, đối chiếu với định mức dự toán - quy trình duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện hành (Quyết định số 591/QĐ-BXD, Quyết định số 3025/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 của UBND TP.HCM về công bố định mức dự toán công tác bảo dưỡng, duy trì một số lĩnh vực dịch vụ công ích trên địa bàn TP.HCM; Quyết định số 341/QĐ-TTHT ngày 31/8/2023 của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM về quy trình công nghệ quản lý, bảo dưỡng hệ thống thoát nước), HSMT yêu cầu nhiều loại thiết bị không có trong quy định về quy trình - định mức thực hiện công việc duy trì hệ thống thoát nước đô thị. Cụ thể như: máy bơm nước (diesel) có công suất 250 m3/h, trạm đo mưa tự động (vũ lượng ký), máy xúc bánh lốp có dung tích gầu 2 m3. Trong nội dung công việc của Gói thầu, không có công việc nào đòi hỏi phải dùng thiết bị đặc thù là máy xúc bánh lốp có dung tích gầu lớn như vậy.
Đối với yêu cầu của HSMT về máy phát điện 3 pha 250 KVA, nhà thầu cho rằng, công suất yêu cầu cao hơn quy định trong định mức dự toán - quy trình thực hiện công việc của Gói thầu (Quyết định số 3025/QĐ-UBND, Quyết định số 341/QĐ-TTHT chỉ quy định máy phát điện công suất là 30 KVA).
Văn bản của nhà thầu nêu rõ: “Dự toán gói thầu được hình thành dựa trên cơ sở định mức vật liệu, nhân công, máy. Dự toán là cơ sở để lựa chọn nhà thầu, trong trường hợp thay đổi, bổ sung ứng dụng công nghệ vào thi công thì dự toán gói thầu sẽ điều chỉnh tương ứng. Đối với thiết bị không có trong định mức hình thành giá gói thầu thì chủ đầu tư phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng, đồng thời điều chỉnh giá gói thầu tương ứng”.
Cũng theo nhà thầu, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động, trong đó thể hiện lĩnh vực thi công công tác xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (thoát nước) hạng I còn hiệu lực. Trường hợp liên danh dự thầu, tất cả các thành viên trong liên danh phải đáp ứng điều kiện trên.
Nhà thầu cho rằng, đối chiếu với khoản 2 Điều 83 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng thì tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực gồm: khảo sát xây dựng; lập thiết kế quy hoạch xây dựng; thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng; thi công xây dựng công trình; tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Trong khi đó, Gói thầu PTV01 là gói thầu dịch vụ phi tư vấn, không phải là gói thầu thi công xây dựng công trình.
Mặt khác, theo nhà thầu, để được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (thoát nước) hạng I, các đơn vị nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (thoát nước) cấp I. Kể cả đối với những nhà thầu đã có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng phi tư vấn tương tự với gói thầu này (gói thầu quản lý vận hành hệ thống thoát nước) cũng sẽ không đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I (đơn vị nhà thầu từng đề nghị Bộ Xây dựng công nhận kinh nghiệm thực hiện gói thầu dịch vụ phi tư vấn để cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I, nhưng không được chấp thuận).
Do đó, nhà thầu cho rằng, yêu cầu chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng vi phạm quy định của pháp luật hiện hành, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Nhà thầu cũng phản đối yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ Gói thầu, trong đó phải có tối thiểu 1 văn phòng ban chỉ huy, đội quản lý và bảo trì với diện tích sàn tối thiểu 1.000 m2; nhà kho, bãi tập kết vật liệu, xe máy thi công 2.000 m2 trên địa bàn TP.HCM hoặc tỉnh giáp ranh theo đường bộ với TP.HCM.
“Đây là tiêu chí mang tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ có một số ít nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được, gây hạn chế sự tham gia của nhà thầu, vi phạm Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT”, văn bản của nhà thầu nêu rõ.
Công ty CP Đô thị Việt Úc - một trong nhiều nhà thầu kiến nghị cho biết, các gói thầu quản lý, vận hành duy trì hệ thống thoát nước tương tự (tại TP. Thủ Đức, TP. Hà Nội) đều không đưa ra các tiêu chí bất cập nói trên. Do đó, nhà thầu này cho rằng, HSMT Gói thầu PTV01 vi phạm Điều 44 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, đề nghị Chủ đầu tư xem xét, điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp quy định.
Trong tất cả các văn bản trả lời làm rõ, kiến nghị, Bên mời thầu đều cho rằng HSMT tuân thủ đúng quy định, phù hợp với quy mô, tính chất của Gói thầu và bảo lưu toàn bộ các tiêu chí.