Gói thầu ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Chấm thầu bỏ qua tiêu chí quan trọng?

(BĐT) - Ngay khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu 01.XL thuộc Dự án Hệ thống chiếu sáng các tuyến đường trục chính đạt tiêu chí đô thị loại III, thị xã Kỳ Anh, một nhà thầu đã có đơn kiến nghị cho rằng việc chấm thầu bỏ qua tiêu chí quan trọng.
Gói thầu 01.XL thuộc Dự án Hệ thống chiếu sáng các tuyến đường trục chính đạt tiêu chí đô thị loại III, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dính kiến nghị ngay từ khi bán HSMT. Ảnh: Lê Tiên
Gói thầu 01.XL thuộc Dự án Hệ thống chiếu sáng các tuyến đường trục chính đạt tiêu chí đô thị loại III, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dính kiến nghị ngay từ khi bán HSMT. Ảnh: Lê Tiên

Trước đó, gói thầu này liên tiếp bị nhà thầu phản ánh thiếu cạnh tranh, minh bạch trong khâu phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT).

Sơ suất về thời gian

Theo KQLCNT được công bố, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy là nhà thầu trúng thầu, với giá trúng thầu là 8,946 tỷ đồng; loại hợp đồng trọn gói, với thời gian thực hiện là 450 ngày. Có 3 nhà thầu bị loại, gồm: Công ty CP Điện tử chuyên dụng Hanel, Công ty CP Vinakiss Việt Nam, Công ty TNHH Mạng viễn thông số Việt Nam, với các lý do như: hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu xếp hạng thứ 2 về giá, HSDT không có bảo đảm dự thầu, thời gian thực hiện Gói thầu vượt yêu cầu của HSMT, thiếu tài liệu chứng minh năng lực của nhà thầu…

Ngay sau khi KQLCNT được công bố, một trong số nhà thầu bị loại có đơn kiến nghị cho rằng việc đánh giá HSDT thiếu khách quan, minh bạch và công bằng khi quá trình chấm thầu bỏ qua các tiêu chí quan trọng.

Cụ thể, theo Nhà thầu kiến nghị, tại trang 37 Phần 4 Mục 3 Chương III của HSMT nêu tiến độ thi công là 120 ngày. Nếu nhà thầu có tiến độ thi công >120 ngày thì sẽ không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật. “Căn cứ vào quy định các tiêu chí kỹ thuật để đánh giá nhà thầu đạt hay không đạt, nhưng Ban Quản lý dự án và Tổ tư vấn chấm thầu lại bỏ qua các tiêu chí quan trọng để đề xuất cho nhà thầu trúng thầu có tiêu chí không đạt (đề xuất thời gian thi công 450 ngày).

Trong Văn bản trả lời kiến nghị, Chủ đầu tư (CĐT) - Trung tâm Dịch vụ hạ tầng và Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh cho biết: “Đã sơ suất trong quá trình lập, thẩm định, phát hành HSMT nên có sự không thống nhất trong thời gian thực hiện Gói thầu”.

CĐT lý giải: “Mục CDNT 1.2 của Bảng dữ liệu đấu thầu của HSMT quy định thời gian thực hiện hợp đồng là 450 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng; tại Mục 2 thuộc Chương V yêu cầu về kỹ thuật của HSMT ghi thời gian hoàn thành 450 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, còn tại tiêu chí đánh giá  HSDT thì yêu cầu “đề xuất thời gian thi công không vượt quá 120 ngày. Đây là một sơ suất không được phát hiện sớm”.

Sau khi được phát hiện, CĐT cùng Tổ chuyên gia đã lên phương án xử lý theo hướng lấy thời gian trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong thông báo mời thầu, trong bảng dữ liệu đấu thầu… là 450 ngày làm tiêu chuẩn để đánh giá HSDT. “Việc xử lý tình huống này không có mục đích vụ lợi, không làm giảm tính cạnh tranh”, CĐT khẳng định.

Bình luận về trường hợp này, một chuyên gia về đấu thầu nhấn mạnh: “CĐT biện minh lý do sơ suất là không được”. Vị chuyên gia này cho rằng, theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì đề bài - HSMT chính là căn cứ để đánh giá bài làm - HSDT của nhà thầu. Do đó, khi HSMT đưa ra yêu cầu về tiến độ thi công Gói thầu không quá 120 ngày là đạt thì việc nhà thầu trúng thầu đề xuất thời gian thi công 450 ngày là không đạt.

Một số luật sư cũng cho rằng, nếu đúng như phản ánh thì HSDT của nhà thầu trúng thầu không đáp ứng được yêu cầu của HSMT. “Nếu nhà thầu không đồng ý với kết quả chấm thầu thì nhà thầu có quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật”, một luật sư gợi ý.

Công chứng hóa đơn có sai quy định?

Ngoài kiến nghị nêu trên, Nhà thầu cũng cho rằng, việc Tổ tư vấn chấm thầu yêu cầu nhà thầu cung cấp hóa đơn được công chứng là sai quy định. Theo Nhà thầu, căn cứ quy định hiện hành thì hóa đơn không được phép công chứng.

Lý giải về yêu cầu này, CĐT cho rằng, việc Tổ chuyên gia chấm thầu yêu cầu nhà thầu cung cấp hóa được công chứng là thực hiện theo Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP để làm rõ HSDT. “Việc làm rõ này nhằm đảm bảo minh bạch, khách quan trong đánh giá HSDT”, CĐT nhấn mạnh.

CĐT cho biết, trong HSDT của Nhà thầu kiến nghị, các hóa đơn dự thầu là các hóa đơn giá trị gia tăng được phát hành và có đóng dấu của các pháp nhân bán hàng là hoàn toàn đủ điều kiện để chứng thực.

Đối với kiến nghị về việc thẩm định lại HSDT của các nhà thầu về một số tiêu chí kỹ thuật, CĐT cho rằng, công tác đánh giá HSDT được thực hiện một cách khách quan, công bằng và minh bạch, đúng quy định.

Cũng tại Văn bản kiến nghị, Nhà thầu cho biết trong quá trình tham dự Gói thầu, Nhà thầu đã nhận thấy một số vấn đề không minh bạch từ việc bán HSMT. Nhà thầu đã gặp tình huống nhạy cảm, phải nhờ an ninh địa phương can thiệp mới mua được HSMT.

Liên quan quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu nêu trên, trước đó Báo Đấu thầu đã có một số bài viết: “Đi mua HSMT tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Bị “xin số tài khoản để chuyển tiền”?, “Trung tâm Dịch vụ hạ tầng và môi trường đô thị Kỳ Anh: Cố tình giữ bí mật biên bản mở thầu”.

Chuyên đề