Gói thầu mua thang máy ở Bưu điện Thừa Thiên Huế: Chưa công bằng với hàng Việt?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một nhà thầu trong lĩnh vực thang máy Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tạo công bằng cho thang máy “Make in Vietnam” liên quan đến Gói thầu số 7 Trang bị thay thế 02 thang máy tải trọng 750 kg cho tòa nhà điều hành Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước đó, Nhà thầu đã có văn bản gửi Chủ đầu tư (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), Bên mời thầu (Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế) nhưng nhận được câu trả lời không thỏa đáng.
Gói bị kiến nghị có nội dung trang bị thay thế 2 thang máy tải trọng 750 kg cho tòa nhà điều hành Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Phan Tấn Hùng
Gói bị kiến nghị có nội dung trang bị thay thế 2 thang máy tải trọng 750 kg cho tòa nhà điều hành Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Phan Tấn Hùng

Làm khó hàng hóa trong nước?

Gói thầu nêu trên lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng. Theo phản ánh của Nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra những tiêu chí vô tình đã loại hàng hóa, sản phẩm “Make in Vietnam”.

“Các tiêu chuẩn đánh giá của hồ sơ cũng hoàn toàn ưu tiên cho các sản phẩm, thiết bị thuộc các nước phát triển thể hiện thông qua hệ số k”, Nhà thầu nhấn mạnh. Cụ thể, quy định tiêu chuẩn đánh giá về giá, hệ số k (hệ số đánh giá theo thương hiệu, xuất xứ của thang máy), HSMT quy định: Thang máy có thương hiệu từ các nước có công nghiệp phát triển (G7) của thế giới (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Canada, Italia); xuất xứ từ các nước G7 có k = 1; thương hiệu thang máy từ các nước G7, xuất xứ từ EU, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore có k = 1,2; thương hiệu thang máy từ các nước G7, có xuất xứ từ ASEAN (trừ Thái Lan, Sigapore) có k = 2,5; thang máy có thương hiệu, xuất xứ tại các nước khác với các nước đã nêu trên có k = 3.

“Hệ số k như HSMT sẽ không còn cơ hội cho sản phẩm tương đương được sản xuất trong nước như của chúng tôi, cho dù có đạt tất cả các chỉ tiêu khác”, Nhà thầu nhận định. Theo Nhà thầu, trong gói thầu này, thang máy mời thầu là dòng thấp tầng, tải trọng 750 kg, chỉ có 7 điểm dừng, tốc độ 90 m/phút (1,5 m/s).

“Với một chiếc thang máy có đặc tính như vậy hoàn toàn nằm trong khả năng sản xuất, chế tạo của doanh nghiệp Việt Nam mà giá chỉ bằng khoảng 60 - 70%, nhưng hồ sơ lại ưu tiên cho hàng nhập khẩu”, Nhà thầu trăn trở. Nhà thầu cũng cho biết, sẵn sàng cam kết tham dự thầu với sản phẩm thang máy bảo đảm chất lượng, an toàn, lâu bền và tiết kiệm lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo Biên bản mở thầu gói thầu nêu trên, có duy nhất 1 nhà thầu tham dự thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy Thiết bị Thăng Long với giá dự thầu 2,59 tỷ đồng (giá gói thầu 2,61 tỷ đồng). Theo tìm hiểu, từ tháng 11/2015 đến nay, Nhà thầu này được công bố trúng 160 gói thầu trên cả nước.

Cũng theo Nhà thầu, hiện sản phẩm thang máy của Công ty đã được Bộ Công Thương tiến hành khảo sát, đánh giá và lựa chọn đưa vào “Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được” do Bộ Công Thương ban hành. Nhà thầu có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp đặt và vận hành thang máy với hơn 8.000 thang máy đã được bảo trì, bảo dưỡng trên cả nước, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định của pháp luật.

Bên mời thầu “đá bóng” sang Chủ đầu tư

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Hoàng Đức Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Toàn bộ nội dung liên quan đến HSMT gói thầu này đều do Tổng công ty phê duyệt, Bưu điện Tỉnh chỉ là đơn vị thực hiện”. Theo ông Dũng thì quan điểm chung của Bên mời thầu là luôn tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước trong hoạt động mua sắm. “Tuy vậy, trong gói thầu này chúng tôi chỉ là người thực hiện. HSMT do Tổng Công ty phê duyệt…”, ông Dũng nói.

Ngày 28/1/2021, trong công văn phản hồi yêu cầu làm rõ HSMT của Nhà thầu phản ánh, Bên mời thầu nhấn mạnh: “Bên mời thầu rất hoan nghênh các nhà thầu chào thầu thiết bị hàng hóa trong nước sản xuất nhưng phải đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của HSMT và các quy định hiện hành”.

Theo văn bản phản hồi, hệ số k có đề cập đến trong công văn của Nhà thầu chỉ là một trong số các tiêu chí để đánh giá về cùng một mặt bằng chung, để tiện đánh giá được công bằng đối với hàng hóa thiết bị có chi phí sản xuất, thương hiệu và xuất xứ khác nhau… Đối với hệ thống thang máy có thương hiệu, xuất xứ trong nước theo nội dung HSMT có quy định về cách tính ưu đãi trong trường hợp nhà thầu tham gia dự thầu chứng minh được hàng hóa đó đáp ứng đủ các yếu tố hưởng ưu đãi theo quy định.

Bày tỏ quan điểm trước tình huống này, một chuyên gia về đấu thầu cho biết, pháp luật về đấu thầu có đưa ra phương pháp xác định giá đánh giá để lựa chọn nhà thầu, trong đó có quy đổi hệ số xuất xứ hàng hóa để xác định giá đánh giá. Trong trường hợp này, điều quan tâm là hệ số k ở đây đã hợp lý hay chưa, bởi qua cách xác định hệ số k của HSMT cho thấy, mức độ chênh lệch hệ số k đối với sản phẩm xuất xứ khác nhau là khá lớn. Sự chênh lệch hệ số lớn như vậy có thể hiểu việc mời thầu không có ý nghĩa cạnh tranh và có thể Bên mời thầu đã nhắm được nhà thầu.

Được biết, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được văn bản phản ánh và đang phối hợp với Nhà thầu để tìm hiểu, làm rõ tình hình nội địa hóa sản phẩm hàng hóa (thang máy) của doanh nghiệp Việt Nam nhằm đưa ra những chỉ đạo cụ thể.

Chuyên đề