Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tại Vĩnh Long: Công bố kết quả đấu thầu giữa ngổn ngang kiến nghị

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm học 2020 - 2021 thuộc dự án cùng tên do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu này liên tiếp bị nhà thầu kiến nghị về các điểm bất hợp lý của thông báo mời thầu và hồ sơ mời thầu (HSMT). Trong khi kiến nghị của nhà thầu chưa được giải quyết thấu đáo, mới đây, Bên mời thầu (BMT) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT).

Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có giá 4,2 tỷ đồng. Ảnh minh họa: St
Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có giá 4,2 tỷ đồng. Ảnh minh họa: St

Đây là gói thầu chào hàng cạnh tranh trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên. Trong đơn kiến nghị gửi đến Báo Đấu thầu, một nhà thầu (xin giấu tên) cho biết, ngày 29/10/2020 đã gửi văn bản kiến nghị đến Chủ đầu tư nêu các điểm bất hợp lý của thông báo mời thầu, HSMT và đề nghị điều chỉnh lại HSMT nhưng không được chấp nhận.

Cụ thể, Nhà thầu cho rằng, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) 5 ngày làm việc được quy định tại thông báo mời thầu là sai quy định. Bởi, Khoản 1 Điều 18 và Điều 19 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định cụ thể phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh thông thường: Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa thông dụng có giá gói thầu từ trên 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Giá trị của Gói thầu là 4,2 tỷ đồng, thuộc trường hợp mua sắm bằng hình thức đấu thầu rộng rãi và thời gian chuẩn bị HSDT là 10 ngày mới đúng. Tuy nhiên, BMT cho rằng, căn cứ Điểm đ, Khoản 1, Điều 12 của Luật Đấu thầu 2013, việc đưa ra quy định như vậy là phù hợp.

Bên cạnh đó, HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp quyết định xuất bản 2020, thư ủy quyền bán hàng của đơn vị sản xuất hoặc đại lý phân phối hợp pháp… là vi phạm các quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhà thầu này khẳng định, đây là tiêu chí nhằm hạn chế sự tham dự của nhà thầu và tạo điều kiện cho một nhà thầu nhất định. Theo quy định, đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa thông thường, không được yêu cầu nhà thầu cung cấp các loại tài liệu này. Trong khi đó, BMT lập luận, việc đưa ra tiêu chí trên là nhằm đảm bảo hàng hóa được cung cấp tốt nhất, có nguồn gốc rõ ràng, tránh trường hợp gian lận.

Ngoài ra, Nhà thầu còn kiến nghị liên quan đến nhân sự chủ chốt, cung cấp hàng mẫu...

Nhận được công văn của BMT, Nhà thầu vẫn chưa thỏa mãn và cho rằng nội dung trả lời dựa trên lý lẽ chủ quan mà không viện dẫn bất kỳ điều khoản nào liên quan Luật Đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Ngọc Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Hồ quả quyết, nội dung trả lời như trên của BMT là đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, ông Đức cho biết đã công bố KQLCNT gói thầu trên. Nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hiệp Phát Vĩnh Long. Giá trúng thầu là 4,083 tỷ đồng, giảm hơn 117 triệu đồng so với giá gói thầu.

Bình luận về hình thức áp dụng lựa chọn nhà thầu gói thầu trên, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên phải tuân thủ quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Gói thầu trên có giá trị hơn 2 tỷ đồng áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh là không đúng với quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC, đơn vị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Chuyên đề