Gói thầu mua sắm thang máy tại TP.HCM: Yêu cầu bảo hành gây khó nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM (Chủ đầu tư) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm bổ sung 2 thang máy nhà học thực hành thay thế 2 thang máy cũ số 2 và số 4. Theo phản ánh, bên cạnh tiêu chuẩn đánh giá khiến hàng Việt “lép vế” so với thiết bị nhập khẩu, hồ sơ mời thầu (HSMT) còn xuất hiện yêu cầu về bảo hành kỹ thuật làm hạn chế sự tham dự của nhà thầu.
Gói thầu Mua sắm bổ sung 2 thang máy do Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM làm chủ đầu tư. HSMT yêu cầu về BHKT làm hạn chế sự tham dự của nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu Mua sắm bổ sung 2 thang máy do Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM làm chủ đầu tư. HSMT yêu cầu về BHKT làm hạn chế sự tham dự của nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá dự toán 3,88 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, do Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Kiến Giang làm bên mời thầu.

Theo phản ánh của Công ty CP IAE Holdings, HSMT được xây dựng theo hướng ưu tiên hàng hóa nhập khẩu thông qua hệ số K (hệ số đánh giá dựa trên thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm). Theo công thức xác định giá dự thầu, hệ số K càng lớn, đồng nghĩa với việc nhà thầu sẽ phải đề xuất giá dự thầu càng cao.

Tại HSMT, hệ số K được quy định cụ thể như sau: thang máy sản xuất tại các nước G7, áp dụng hệ số K = 1; thang máy sản xuất tại các nước thuộc Liên minh châu Âu EU, Australia, Nga, Hàn Quốc, áp dụng hệ số K = 1,5; thang máy sản xuất tại các nước khác, áp dụng hệ số K = 2,5. “Như vậy, thang máy sản xuất trong nước sẽ bị áp dụng hệ số cao nhất, đồng nghĩa với việc nhà thầu sẽ không có cơ hội cạnh tranh về giá, làm hạn chế sự phát triển của hàng hóa nội địa”, Nhà thầu bức xúc.

Bên cạnh đó, để đáp ứng khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác, HSMT yêu cầu: “Nhà sản xuất thiết bị chào thầu phải có đại lý/hoặc đại diện tại Việt Nam có khả năng thực hiện bảo hành, bảo trì, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng (kèm bản sao công chứng giấy phép thành lập/giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Đồng thời, có giấy ủy quyền được bảo trì trong và sau thời gian bảo hành của nhà sản xuất cho thiết bị gói thầu này hoặc giấy cam kết sẽ thực hiện bảo hành, bảo trì trong và sau thời gian bảo hành cho thiết bị gói thầu này bởi đại diện nhà sản xuất tại Việt Nam có 100% vốn của chính hãng sản xuất”.

Theo Nhà thầu IAE Holdings, việc HSMT yêu cầu các văn bản cam kết dịch vụ sau bán hàng được cấp bởi nhà sản xuất/đại diện tại Việt Nam có 100% vốn đầu tư từ hãng sản xuất như trên là thiếu cơ sở pháp lý, hạn chế sự tham gia của rất nhiều nhà thầu.

Trong khi đó, Bên mời thầu khẳng định cách tính giá trị K như tại HSMT là phù hợp với phương pháp giá đánh giá, nhằm mục đích chọn được hàng hóa chất lượng cao. Vẫn theo Bên mời thầu, thang máy là hàng hóa đặc thù, cần bảo đảm tính an toàn cao trong quá trình vận hành và sử dụng. Do đó, việc bảo hành, bảo trì, duy tu và các dịch vụ sau bán hàng phải gắn liền với trách nhiệm của hãng sản xuất, từ đó đặt ra yêu cầu về cam kết của đại diện hãng sản xuất tại Việt Nam có vốn đầu tư 100% từ hãng.

Theo ông Lê Văn Tăng, chuyên gia về đấu thầu, theo phương pháp giá đánh giá, pháp luật về đấu thầu cho phép quy đổi tất cả các tính năng của hàng hóa (chi phí bảo trì, sửa chữa, mức độ tiêu hao năng lượng...) về một mặt bằng đánh giá. Tuy nhiên, pháp luật về đấu thầu hiện hành không quy định cụ thể giá trị hệ số K trong trường hợp này. Theo đó, khi quy định về hệ số K để đánh giá, điều quan trọng nhất là phải chỉ ra được cơ sở để xác định giá trị hệ số K tại HSMT. Trường hợp giá trị hệ số K giữa các hàng hóa có xuất xứ khác nhau có sự chênh lệch quá lớn, có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh.

Cũng theo ông Tăng, chính sách bảo hành, bảo trì thường được các hãng công bố rộng rãi và áp dụng thống nhất trên toàn cầu, việc thực hiện các dịch vụ này còn có thể thông qua các đơn vị liên doanh, liên kết... Đồng thời, chất lượng cung cấp dịch vụ không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn đầu tư từ hãng sản xuất.

Hiện tại, Bên mời thầu đang đánh giá hồ sơ dự thầu của 2 nhà thầu: Công ty CP Thiết bị thang máy FUJI Việt Nam (giá dự thầu 3,6 tỷ đồng) và Công ty TNHH Cơ điện lạnh Đại Thắng (giá dự thầu 3,839 tỷ đồng).

Dữ liệu của Báo Đấu thầu cho thấy, Công ty TNHH Cơ điện lạnh Đại Thắng từng trúng một số gói thầu do Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Kiến Giang mời thầu như: Gói thầu Cung cấp và lắp đặt thang máy thuộc Dự án Công trình trụ sở làm việc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai (4,479 tỷ đồng); Gói thầu số 9 Hệ thống thang máy thuộc Dự án Kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh Đồng Nai (2,37 tỷ đồng)...

Chuyên đề