Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt ngày 17/9/2024, vượt qua 2 đối thủ, Công ty CP Giải pháp thiết bị Sao Mai trúng thầu với giá 3,291 tỷ đồng (giá gói thầu 3,321 tỷ đồng).
Ngày 26/9/2024, Liên danh Quy Nhơn Bình Định - Phúc Thanh có văn bản kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể, để đạt đánh giá năng lực, kinh nghiệm, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu: “Nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng tương tự với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong khoảng thời gian kể từ ngày 1/1/2019 đến thời điểm đóng thầu. Trong đó hợp đồng tương tự là hợp đồng có tính chất tương tự: mua sắm, lắp đặt thiết bị trường học, gồm: màn hình led, bàn, ghế, bảng xanh viết phấn; có quy mô (giá trị) tối thiểu: 2,325 tỷ đồng”.
Theo thỏa thuận liên danh, Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Quy Nhơn Bình Định đảm nhận 41,9% giá trị hợp đồng (tương ứng 974 triệu đồng). Tại hồ sơ dự thầu (HSDT), Quy Nhơn Bình Định cung cấp Hợp đồng 01/2024/MSLĐTB-ĐHQN 31/5/2024 ký với Trường Đại học Quy Nhơn về việc thực hiện Gói thầu Lắp đặt thiết bị có tổng giá trị 1,066 tỷ đồng (trong đó: giá trị hạng mục bàn ghế hội trường, bục phát biểu: 34 triệu đồng; giá trị hạng mục loa + micro và các phụ kiện kèm theo: 388 triệu đồng và giá trị màn hình led: 225 triệu đồng...).
Theo đánh giá của Tổ chuyên gia (Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Huy Hoàng), giá trị dự toán được duyệt đối với hạng mục bàn ghế, bục giảng là: 1,101 tỷ đồng; dự toán hạng mục màn hình led là 1,5 tỷ đồng; dự toán hạng mục bảng viết là 70 triệu đồng. Đối chiếu hợp đồng tương tự của Quy Nhơn Bình Định, từng hạng mục hàng hóa trong hợp đồng chưa đáp ứng tối thiểu 70% giá trị dự toán của từng hạng mục theo yêu cầu trên. Do đó, Liên danh bị kết luận không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.
Trong văn bản kiến nghị, Quy Nhơn Bình Định cho biết, theo hướng dẫn ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT, về cách đánh giá quy mô của hợp đồng tương tự, “trường hợp gói thầu có nhiều hạng mục hàng hóa thì bên mời thầu phải ghi giá trị tương ứng của từng hạng mục hàng hóa để làm cơ sở đánh giá kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự của nhà thầu. Trường hợp gói thầu bao gồm nhiều loại hàng hóa khác nhau thì tùy theo tính chất, quy mô gói thầu để bên mời thầu đưa ra yêu cầu về quy mô tương tự trên cơ sở các loại hàng hóa chính của gói thầu (phải nêu rõ các hàng hóa chính) hoặc yêu cầu về quy mô tương tự trên cơ sở tất cả các loại hàng hóa của gói thầu, trong đó ghi quy mô yêu cầu đối với mỗi hạng mục hàng hóa chính hoặc mỗi hạng mục hàng hóa…”.
Tuy nhiên, tại gói thầu nêu trên, quyết định phê duyệt giá dự toán của các hạng mục hàng hóa không được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại thời điểm phát hành HSMT. Đồng thời, HSMT không thể hiện số liệu về giá trị của từng loại hàng hóa theo dự toán. Do đó, nhà thầu không có cơ sở để tính toán giá trị hạng mục hàng hóa tương tự. Nếu đối chiếu theo quy định của HSMT, nhà thầu đề xuất hợp đồng tương tự có tính chất “mua sắm, lắp đặt thiết bị trường học” bao hàm các hạng mục hàng hóa theo yêu cầu, với tổng giá trị đạt tối thiểu 70% giá trị đảm nhận theo thỏa thuận liên danh, thì HSDT phải được xem là đáp ứng yêu cầu. Từ đó, nhà thầu khẳng định, việc Tổ chuyên gia loại bỏ HSDT là không có cơ sở, không bảo đảm quy định pháp luật về đấu thầu.
Trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Huy Hoàng cho biết, Tổ chuyên gia đang rà soát, nghiên cứu nội dung kiến nghị của nhà thầu và sẽ báo cáo, đề xuất Chủ đầu tư nội dung giải quyết kiến nghị sau khi quá trình này hoàn tất.
Theo quan sát của Báo Đấu thầu, thời gian qua, một số chủ đầu tư/bên mời thầu cũng phải đối mặt với kiến nghị dai dẳng từ nhà thầu do HSMT không đính kèm/thể hiện thông tin về giá dự toán của các hạng mục hàng hóa cụ thể. Ví dụ kiến nghị tại Gói thầu số 01TB Cung cấp và lắp đặt thiết bị dạy học ngoại ngữ cho một số trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Phú Yên kéo dài tới gần 1 năm, gây rất nhiều hệ lụy.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho biết, Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT quy định, trường hợp gói thầu có nhiều hạng mục hàng hóa thì bên mời thầu phải ghi giá trị tương ứng của từng hạng mục để làm cơ sở đánh giá kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự của nhà thầu. Đồng thời, nguyên tắc đánh giá HSDT là căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT, các yêu cầu khác trong HSMT, văn bản sửa đổi HSMT (nếu có), tài liệu làm rõ HSMT theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Trường hợp các tài liệu này không đề cập đến quy mô tương tự của từng hàng hóa cụ thể, thì bên mời thầu không có căn cứ đánh giá theo tiêu chí ngoài các tài liệu này.