Gói thầu Mua sắm bàn ghế học sinh năm 2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai làm bên mời thầu có giá dự toán 6,218 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Hoàng Quân |
Gói thầu nêu trên có giá dự toán 6,218 tỷ đồng, phát hành HSMT rộng rãi từ ngày 16/3/2022, dự kiến mở thầu ngày 26/3/2022, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp giáo dục đào tạo năm 2022. Phạm vi mua sắm bàn ghế học sinh THPT 2 chỗ ngồi rời (1 bàn + 2 ghế), số lượng 2.961 bộ. Đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu là Công ty TNHH MTV Hoa Xuân Nguyên. Tư vấn thẩm định HSMT, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu là Công ty TNHH MTV Lộc An Construction.
Theo phản ánh của các nhà thầu, HSMT “dựng rào cản” tại hầu hết các tiêu chí đánh giá, trong đó, nổi cộm nhất là các yêu cầu về nhân sự. Cụ thể, đối với vị trí Cán bộ quản lý chung/Chỉ huy trưởng (1 người), HSMT yêu cầu có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm; đã làm quản lý chung/chỉ huy trưởng ít nhất 2 công trình tương tự; có chứng chỉ giám sát an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC); có tài liệu chứng minh đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin Covid-19; đính kèm hợp đồng lao động.
Tương tự, đối với Cán bộ phụ trách kỹ thuật (3 người), HSMT cũng yêu cầu phải có các chứng chỉ ATVSLĐ; PCCC; tài liệu chứng minh đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin Covid-19. Trong khi HSMT đã quy định một nhân sự chuyên trách cho công tác này tại vị trí Phụ trách công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, nhà thầu còn phải đề xuất ≥ 35 công nhân kỹ thuật có chứng chỉ nghề từ bậc 3/7 trở lên (ít nhất 25 người chuyên ngành mộc, 10 người chuyên ngành sơn). Đáng chú ý, các công nhân kỹ thuật này phải có hợp đồng lao động; đồng thời, có tài liệu chứng minh tối thiểu 25 người đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin Covid-19; kèm chứng chỉ/chứng nhận huấn luyện ATVSLĐ.
Trong văn bản đề nghị làm rõ HSMT, 3 nhà thầu cùng quan điểm cho rằng, các yêu cầu về nhân sự nêu trên đều quá cao so với quy mô, tính chất của Gói thầu, đồng thời, cản trở không ít nhà thầu thực sự có năng lực tham gia cạnh tranh.
Thêm vào đó, các nhà thầu cũng đồng loạt phản đối yêu cầu về việc phải có nhà xưởng/kho bãi thuộc sở hữu của nhà thầu hoặc thuê trên địa bàn tỉnh Gia Lai có diện tích tối thiểu 300 m2 để tập kết hàng hóa, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra, nghiệm thu trước thời điểm giao hàng, kèm tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc hợp đồng đi thuê (có hình ảnh nhà xưởng/kho bãi; trường hợp đi thuê thì phải có hợp đồng thuê, đính kèm tài liệu chứng minh quyền sở hữu của bên cho thuê và có xác nhận chứng kiến của chính quyền địa phương).
Theo một nhà thầu, HSMT bộc lộ thêm bất cập khi yêu cầu nhà thầu phải có Chứng nhận ISO 9001:2015 về hệ thống quản lý chất lượng; Chứng nhận ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường. Nhà thầu cho rằng, trường hợp hàng hóa chào thầu không phải do nhà thầu sản xuất, mà do một đơn vị sản xuất khác cung ứng, thì các chứng nhận này là không hợp lý.
Đứng trước hàng loạt ý kiến trái chiều từ phía các nhà thầu, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai vẫn bảo lưu toàn bộ tiêu chí mời thầu đã xây dựng nhằm mục đích đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn phòng chống dịch trong quá trình triển khai hợp đồng.
Theo chuyên gia đấu thầu, phản ứng của các nhà thầu là có cơ sở. Bởi, việc một gói thầu quy mô nhỏ, phạm vi cung cấp hàng hóa thông dụng, ít chủng loại, song hầu hết các tiêu chuẩn đánh giá đều dẫn tới hạn chế cạnh tranh. Việc đưa tiêu chí địa bàn, định vị địa phương như tại Gói thầu làm sai lệch tính chất của đấu thầu rộng rãi. Đồng thời, công nhân, lao động phổ thông tham gia thực hiện các gói thầu xây lắp hay mua sắm hàng hóa đều là nhân sự được huy động linh hoạt, thời vụ, do đó, việc yêu cầu các nhân sự này phải có hợp đồng lao động, kèm hàng loạt chứng chỉ/tài liệu chứng minh, là làm khó nhà thầu.