Gói thầu mua phân vi sinh tại Công ty Cao su Sa Thầy: Bất đồng về thành phần công thức hóa học

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong quá trình mời thầu Gói thầu Mua sắm phân hữu cơ vi sinh năm 2023 tại Công ty CP Cao su Sa Thầy, một nhà thầu đã có văn bản kiến nghị về công thức của phân hữu cơ vi sinh và cho rằng có thể gây hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, Bên mời thầu cho biết, đây chỉ là công thức chung, không phải công thức độc quyền, càng không phải yêu cầu gây hạn chế cạnh tranh.
Nhà thầu cho rằng, phân hữu cơ vi sinh là hàng hóa thông dụng nên bên mời thầu cần đưa ra các tiêu chí phổ biến để nhiều nhà thầu có thể tham gia cạnh tranh. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nhà thầu cho rằng, phân hữu cơ vi sinh là hàng hóa thông dụng nên bên mời thầu cần đưa ra các tiêu chí phổ biến để nhiều nhà thầu có thể tham gia cạnh tranh. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu nêu trên có giá hơn 2,381 tỷ đồng, do Công ty CP Cao su Sa Thầy (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) làm bên mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 25/4 - 5/5/2023.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu đã có văn bản kiến nghị liên quan đến tiêu chí của HSMT. Được biết, HSMT yêu cầu thành phần chính của phân hữu cơ vi sinh gồm: chất hữu cơ >= 23%; Trichodema sp: 1x10 (CFU/g); Bacillus sp: 1x10 (CFU/g); Ph H20: 5; độ ẩm: 30%.

“Yêu cầu về nấm Trichodema là khá đặc thù, đặc biệt trong phân bón. Đưa thành phần này vào HSMT sẽ có rất ít đơn vị đáp ứng được”, Nhà thầu kiến nghị cho biết.

Để dẫn chứng, Nhà thầu cho biết, trong rất nhiều thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, hàng loạt mặt hàng phân bón hữu cơ vi sinh đều không đề cập đến thành phần nấm Trichodema như gói thầu của Công ty CP Cao su Sa Thầy. Có thể kể đến phân bón hữu cơ vi sinh SG HC-15 yêu cầu các chất như: hữu cơ 15%; axit humic: 2,5%; canxi; Azotobacter; Bacillus; độ ẩm. Hay phân bón hữu cơ vi sinh HG-131 yêu cầu chất hữu cơ; axit humic; lân hữu hiệu; silic; canxi, magie…

Bên cạnh đó, ngày 25/10/2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có chỉ đạo về công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động đấu thầu mua sắm phân bón gửi các đơn vị thành viên. Theo đó, khi mua sắm phân bón chỉ đưa vào các chỉ tiêu chất lượng chính của phân bón theo quy định tại Nghị định 84/2019/NĐ-CP về quản lý phân bón và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón theo Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Đây là hàng hóa thông dụng nên Bên mời thầu cần đưa ra các tiêu chí phổ biến để nhiều nhà thầu có thể tham gia cạnh tranh”, Nhà thầu bày tỏ.

Đồng thời, Nhà thầu thắc mắc, HSMT không có yêu cầu về hợp đồng tương tự nhà thầu đã thực hiện để làm tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm, mà chỉ yêu cầu về năng lực sản xuất hàng hóa (để đánh giá đối với nhà thầu là đơn vị sản xuất).

Ngày 4/5/2023, trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Tổ mua sắm của Công ty CP Cao su Sa Thầy khẳng định, hoàn toàn không có việc hạn chế nhà thầu thông qua tiêu chí về công thức của phân bón hữu cơ vi sinh. “Chúng tôi đã nhận được văn bản kiến nghị và lập tức tổ chức họp rà soát lại. Cần khẳng định, công thức của phân bón trong HSMT là phổ biến, là công thức rất đơn giản. Nấm Trichodema là thành phần không khó xác định trong nhiều loại phân bón hữu cơ vi sinh hiện nay. Đây là một chủng men nấm mà nhiều doanh nghiệp đã và đang phát triển, cung cấp ra thị trường. Mục đích của chúng tôi khi đưa thành phần này vào công thức là để phân giải xenlulo, phù hợp cho việc phát triển cây trồng của doanh nghiệp”, vị đại diện trên cho biết.

Đại diện Bên mời thầu cho biết thêm, theo chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trong phần phụ lục chỉ tiêu chất lượng chính của các loại phân bón sử dụng cho cây cao su, đối với phân bón hữu cơ vi sinh có chỉ tiêu về mật độ nấm rễ. Do đó, công thức này hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp có chủng men này vào cạnh tranh.

Bên mời thầu chia sẻ, trong công tác đấu thầu mua phân bón của Cao su Sa Thầy nhiều năm qua, các nhà thầu đều trúng với giá cạnh tranh. Cụ thể, Gói thầu Mua sắm phân đạm năm 2023 có giá gói thầu 5,785 tỷ đồng, giá trúng thầu 5,276 tỷ đồng; Gói thầu Mua sắm phân lân năm 2023 có giá 3,738 tỷ đồng, giá trúng thầu 3,433 tỷ đồng; Gói thầu Mua sắm phân kali năm 2023 có giá 5,47 tỷ đồng, giá trúng thầu 5,034 tỷ đồng; Gói thầu Mua sắm phân urê năm 2022 có giá 8,411 tỷ đồng, giá trúng thầu 8,062 tỷ đồng…

Về việc không có tiêu chuẩn đánh giá về hợp đồng tương tự, Bên mời thầu cho biết đang rà soát lại, nếu thiếu sẽ bổ sung ngay để thuận lợi cho các nhà thầu tham gia.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư