Gói thầu mua phân bón NPK ở Bình Thuận: Hạn chế cạnh tranh?

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 03 - MSHH-UNDP Mua phân bón NPK thuộc Dự án UNDP (Chương trình Phát triển Liên hợp quốc). Tuy nhiên, ngay sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, một nhà thầu đã phản đối và đề nghị thu hồi quyết định phê duyệt kết quả này.

Hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chí: “Nhà thầu phải có đại lý phân phối phân bón trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” thì mới được đánh giá là đạt. Ảnh minh họa: Thế Anh
Hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chí: “Nhà thầu phải có đại lý phân phối phân bón trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” thì mới được đánh giá là đạt. Ảnh minh họa: Thế Anh

Gói thầu nêu trên do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước, qua mạng. Có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cao su kỹ thuật Nguyên Khang có địa chỉ đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trúng thầu với giá 1,506 tỷ đồng (giá gói thầu là 1,506 tỷ đồng).

Phản ánh tới Báo Đấu thầu, Nhà thầu kiến nghị cho biết, giá trúng thầu của Nhà thầu Nguyên Khang cao hơn so với giá dự thầu của nhà thầu bị loại (1,476 tỷ đồng), “gây lãng phí cho ngân sách”.

Nhưng điều bức xúc nhất, theo Nhà thầu, việc HSMT đã “cài cắm” tiêu chí gây nên sự cạnh tranh không bình đẳng, khiến Nhà thầu bị đánh trượt một cách oan uổng. Cụ thể, HSMT đưa ra tiêu chí: “Nhà thầu phải có đại lý phân phối phân bón trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” thì mới được đánh giá là đạt. Về khả năng chiếm lĩnh thị phần, HSMT yêu cầu: “Tổng lượng phân bón NPK đã cung cấp trong năn 2018, 2019 bình quân đạt 1.000 tấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” thì mới đánh giá đạt… “Những tiêu chí này của HSMT đã đi ngược với tinh thần chào hàng cạnh tranh, gây hạn chế, thậm chí “cấm cửa” các nhà thầu ngoài địa bàn tỉnh Bình Thuận tham gia đấu thầu. Chính những lý do này đã khiến Nhà thầu bị loại oan uổng”, Nhà thầu phản ánh.

Về các tiêu chí nêu trên, trao đổi với Báo Đấu thầu sáng ngày 7/12, bà Đắc Thái Thiên Thu, thành viên Tổ xét thầu gói thầu nêu trên thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận lý giải: “HSMT đưa ra tiêu chí như vậy nhằm đảm bảo phân phối hàng nhanh và phù hợp với tình hình địa phương cũng như theo đúng tinh thần chỉ đạo của UNDP”. Theo bà Thu, tại gói thầu này, UNDP yêu cầu Trung tâm thực hiện gấp rút trong tháng 11/2020 để có thể hỗ trợ khẩn trương cho các hợp tác xã trồng thanh long trên địa bàn Tỉnh nhằm khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với tinh thần đó, Trung tâm gấp rút triển khai quá trình lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tuân thủ quy trình đấu thầu qua mạng.

Tại Văn bản trả lời kiến nghị của Nhà thầu cũng như các đơn vị liên quan ngày 2/12/2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cũng nhấn mạnh: “Do tính chất, quy mô của Gói thầu phải thực hiện trên địa bàn Tỉnh thì việc đưa ra tiêu chí: Nhà thầu phải có các đại lý phân phối phân bón trên địa bàn thực hiện Gói thầu là rất cần thiết, giúp Chủ đầu tư, nhà cung cấp hàng hóa dễ dàng phối hợp, trao đổi và giải quyết các vấn đề phát sinh cũng như sự cố xảy ra trong quá trinh giao nhận hàng hóa”. Đặc biệt, Trung tâm còn khẳng định: “Việc này cũng không trái với quy định của Luật Đấu thầu vì trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau kinh doanh phân bón (trong đó có phân NPK) và có hệ thống đại lý phân phối trên địa bàn Bình Thuận nên Trung tâm thiết nghĩ đây không phải là tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương”.

Song, không đồng ý tình với cách giải thích của Chủ đầu tư, một chuyên gia về đấu thầu khẳng định: “Rõ ràng tiêu chí HSMT như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, gây hạn chế cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà thầu”. Theo chuyên gia này, với tiêu chí như vậy thì “cánh cửa” cho các nhà thầu lĩnh vực này ngoài địa bàn Bình Thuận đã đóng lại. Pháp luật về đấu thầu quy định, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Tinh thần này cũng được nhấn mạnh tại Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Ngoài ra, Nhà thầu kiến nghị cho biết thêm, đây là gói thầu cung cấp phân bón NPK đơn thuần, nhưng Bên mời thầu lại yêu cầu về hợp đồng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chí chấm thầu, gây khó khăn cho nhà thầu.

Chuyên đề