CĐT đang lựa chọn nhà thầu cho gói thầu thuộc Dự án XD các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) đang tổ chức mời thầu rộng rãi, qua mạng Gói thầu Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thuộc Dự án. Gói thầu có dự toán phê duyệt 10.540.475.000 đồng, phát hành HSMT từ ngày 20/4/2022, dự kiến đóng thầu vào ngày 11/5/2022.
Phản ánh đến Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật trong HSMT có một số nội dung cần được làm rõ và điều chỉnh để bảo đảm cạnh tranh. Cụ thể, đối với hợp đồng tương tự, HSMT cơ cấu điểm như sau: hợp đồng xây dựng mới hồ chứa nước (trên 3 hợp đồng đạt 10 điểm; trên 2 hợp đồng đạt 8 điểm; 1 hợp đồng đạt 6 điểm). Câu hỏi nhà thầu đặt ra là tại sao Bên mời thầu chỉ chấm điểm với hợp đồng hồ chứa nước mới mà không tính đến hợp đồng khảo sát thiết kế hồ cũ (nâng cấp, sửa chữa)? “Thực tế, công trình hồ chứa nước mới hay hồ chứa nước cũ đều phải thực hiện các bước khảo sát, thiết kế theo tiêu chuẩn Việt Nam, thậm chí nếu cùng là cấp II thì khảo sát thiết kế hồ chứa nước cũ còn khó hơn hồ mới. Nếu nhà thầu đã có kinh nghiệm khảo sát thiết kế hồ chứa nước cũ thì có đủ khả năng thực hiện các hồ mới”, Nhà thầu cho biết. Nhà thầu cho rằng, tiêu chí này tạo nên sự bất bình đẳng giữa các nhà thầu.
Về tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt, HSMT yêu cầu kinh nghiệm đã làm chủ nhiệm thiết kế, chủ nhiệm khảo sát địa chất, chủ trì thiết kế thủy công, chủ trì tính toán thủy văn và chủ trì lập tổng mức đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp II trở lên, có hạng mục xây dựng mới công trình đầu mối hồ chứa nước, hoàn thành từ năm 2019 trở lại đây. Cơ cấu thang điểm mỗi nhân sự chủ chốt đều chỉ ghi nhận cho kinh nghiệm hồ chứa nước mới (8 điểm) và không chấp nhận kinh nghiệm hồ chứa nước cũ (0 điểm) cũng khiến nhiều nhà thầu đề nghị làm rõ.
Phóng viên đã liên hệ nhiều lần với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai (cụ thể là Phòng Quản lý các dự án nông nghiệp) để xác minh thông tin nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo tìm hiểu, phạm vi công việc của Dự án gồm xây dựng Hồ Cà Tung (xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ); xây dựng hồ Đông Xuân (xã Ia Le, Huyện Chư Pưh) và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi các hồ chứa nước: Tầu Dầu 2, Ia RTô; Pkei Thơ Ga, Plei Keo.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Giai đoạn 1960 - 1990, cả nước đã triển khai xây dựng nhiều hồ chứa nước. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nhu cầu sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước để bảo đảm an toàn ngày càng lớn. Việc xây mới hay nâng cấp sửa chữa các hồ chứa nước quy mô cấp II đều yêu cầu các bước chặt chẽ, khắt khe ở khâu khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi để đảm bảo chất lượng thi công”. Vị chuyên gia này cho rằng, việc không chấp nhận kinh nghiệm tư vấn đối với công trình sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước cũ cùng cấp là không hợp lý.
Trong khi đó, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, với tiêu chí còn gây tranh cãi tại HSMT nói trên, Bên mời thầu cần rà soát cẩn trọng. “Công trình có tính chất quan trọng, phạm vi triển khai rộng thì càng cần xây dựng tiêu chí khách quan, tăng cơ hội dự thầu cho đông đảo nhà thầu có năng lực nhằm tăng hiệu quả đầu tư”, chuyên gia này cho biết.