Gói thầu kênh dẫn nước tại Nhiệt điện Quảng Trạch 1: Không làm rõ bảo lãnh dự thầu, 3 nhà thầu bị loại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu số 16 (XL05-QT1) Thi công xây dựng tuyến kênh dẫn nước làm mát từ cửa nhận đến StopLog của trạm bơm nước làm mát (giá dự toán 240,23 tỷ đồng) của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 vừa hoàn tất lựa chọn nhà thầu. Trong số 8 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), có 3 nhà thầu bị loại ở bước đánh giá tính hợp lệ và đều liên quan đến bảo lãnh dự thầu có giá trị 7 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1
Phối cảnh dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1

Gói thầu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, đóng thầu ngày 24/6/2024. Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), EVN đã tiếp nhận và trả lời 9 lượt yêu cầu làm rõ HSMT (thiết bị, giá dự toán cập nhật…), 5 lượt kiến nghị (về nhà thầu phụ, về hợp đồng tương tự…).

Ngày 2/8/2024, EVN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, Công ty TNHH Hòa Hiệp (địa chỉ tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) trúng thầu với giá 193,325 tỷ đồng.

Theo báo cáo đánh giá của Ban Quản lý dự án điện 2 (tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT), có 3 nhà thầu bị loại ở bước đánh giá tính hợp lệ đều liên quan đến bảo lãnh dự thầu.

Cụ thể, Liên danh Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 - Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam (giá dự thầu 208,283 tỷ đồng) có bảo lãnh dự thầu do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Giang cấp ngày 20/6/2024, trong khi thỏa thuận liên danh ký ngày 21/6/2024. EVN có văn bản yêu cầu làm rõ việc bảo lãnh dự thầu được cấp trước khi thỏa thuận liên danh được ký và đề nghị cung cấp tài liệu chứng minh bảo lãnh dự thầu đã nộp là bảo lãnh dự thầu không hủy ngang. Tuy nhiên, Nhà thầu không phản hồi.

EVN cũng yêu cầu Tổng công ty Xây dựng số 1 (giá dự thầu 259,877 tỷ đồng) nộp các tài liệu để chứng minh bảo lãnh dự thầu đã nộp không hủy ngang. Tuy nhiên, đến hết thời hạn làm rõ, Nhà thầu không phản hồi.

Đối với trường hợp của Công ty CP Fecon (giá dự thầu sau giảm giá 270,795 tỷ đồng), EVN yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh bảo lãnh dự thầu đã nộp không hủy ngang và bổ sung văn bản chứng minh chức vụ và thẩm quyền ký bảo lãnh của bà Đoàn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc xác nhận giao dịch của bảo lãnh dự thầu do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Hội sở phát hành ngày 20/6/2024. Tuy nhiên, đến hết thời hạn làm rõ, EVN không nhận được phản hồi của Công ty CP Fecon.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu bị loại cho biết, Gói thầu số 16 được đấu thầu qua mạng theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Giá gói thầu được cập nhật trong giai đoạn mời thầu nên các nhà thầu không biết được giá trị thực tế của Gói thầu, khoảng cách giá dự thầu giữa các nhà thầu rất lớn. Sau khi mở thầu, 8 nhà thầu đều biết được giá dự thầu của nhau và có thể đánh giá được sơ bộ cơ hội trúng thầu. Do đó, nhận thấy cơ hội trúng thầu của mình thấp hơn một số nhà thầu khác nên khi EVN yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh bảo lãnh dự thầu đã nộp không hủy ngang, nhà thầu đã không tiến hành làm rõ HSDT.

Trong số 5 nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm, Công ty TNHH Hòa Hiệp có giá dự thầu thấp nhất. 4 nhà thầu còn lại gồm: Liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng và thương mại Hải Đăng - Công ty CP Xây dựng Minh Anh (giá dự thầu 211,808 tỷ đồng); Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (giá dự thầu 216,928 tỷ đồng); Liên danh Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - Công ty CP GEOVIETNAM (giá dự thầu 225,816 tỷ đồng); Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân (giá dự thầu 248,446 tỷ đồng).

Trao đổi với phóng viên, cán bộ đấu thầu của EVN cho biết, Chủ đầu tư đang thương thảo hợp đồng với Công ty TNHH Hòa Hiệp. Dự kiến, việc ký kết hợp đồng và triển khai thi công công trình sẽ diễn ra trong tháng 8/2024. Chủ đầu tư sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho Nhà thầu sau khi ký hợp đồng. Trong quá trình mời thầu, EVN đã xử lý khá nhiều kiến nghị và đề nghị làm rõ HSMT, nhưng sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, EVN chưa tiếp nhận ý kiến phản ánh nào của nhà thầu.

Chuyên đề