Gói thầu J3-1 cao tốc Bến Lức - Long Thành: “Khúc xương” khó nhằn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng mức đầu tư 29.586,914 tỷ đồng sau thời gian dài triển khai lận đận vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Trong đó, Gói thầu J3-1 Thi công phần khối lượng còn lại của Gói thầu J3 mở thầu ngày 20/3 nhưng không có nhà thầu nào tham dự. Thế khó tại một trong những gói thầu phức tạp nhất của Dự án vẫn chưa được hóa giải.
Gói thầu J3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã hoàn thành khoảng 80%. Ảnh: Lê Phan
Gói thầu J3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã hoàn thành khoảng 80%. Ảnh: Lê Phan

Cuối ngày 20/3/2024, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đến thời điểm đóng thầu, Gói thầu J3-1 không có nhà thầu nào tham dự. Gói thầu sử dụng nguồn vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn do VEC tự thu xếp, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 20/12/2023, hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng. Diễn biến này đúng như dự đoán của lãnh đạo VEC từ trước đó. Theo đó, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC đã chia sẻ: “Gói thầu chưa nhận được sự quan tâm từ phía các nhà thầu Nhật Bản. Vì vậy, VEC đã báo cáo JICA cho phép điều chỉnh bổ sung nhà thầu Việt Nam tham gia lựa chọn nhà thầu với tư cách độc lập”.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km, qua các tỉnh: Long An (2,7 km), TP.HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư cập nhật hiện nay là 29.586,9 tỷ đồng, sử dụng 4 nguồn vốn: vốn vay ADB (8.065,7 tỷ đồng), vốn vay JICA (10.101,3 tỷ đồng), vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước (3.872,4 tỷ đồng) và vốn VEC tự thu xếp (7.547,6 tỷ đồng); nguồn vốn vay ở thời điểm khác nhau nên thời điểm triển khai các đoạn của Dự án khác nhau.

Dự án được khởi công tháng 10/2014, trong quá trình thực hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách dẫn đến không được bố trí vốn và không điều chỉnh dự án nên phải dừng thi công từ giữa năm 2019. Thời gian dừng thi công kéo dài nên một số nhà thầu đề nghị chấm dứt hợp đồng và VEC phải tổ chức lựa chọn nhà thầu mới để thi công khối lượng còn lại của 5 gói thầu, trong đó có Gói thầu J3.

Gói thầu J3 có lý trình bắt đầu từ Km29+264 (tiếp giáp Gói thầu J2) đến Km32+450 (tiếp giáp Gói thầu A5) với tổng chiều dài gần 3,2 km gồm cầu Phước Khánh và cầu cạn qua huyện Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Gói thầu được khởi công vào năm 2015, do Liên danh Sumitomo Mitsui Construction Co., Ltd - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 thi công, thời gian thực hiện hợp đồng là 42 tháng. Báo cáo mới nhất của VEC cho thấy, giá trị hợp đồng của Gói thầu J3 (không bao gồm VAT và dự phòng phí) là 2.651,478 tỷ đồng. Giá trị hoàn thành là 2.139,81 tỷ đồng (80,7%). Giá trị còn lại chưa thực hiện là 511,667 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT và dự phòng phí).

Theo ông Quang, VEC đã thông báo chấm dứt hợp đồng với Nhà thầu tại văn bản số 1542/VEC-CV ngày 15/7/2022. Hạng mục còn lại của Gói thầu J3 gồm: phần dầm chủ, bản mặt cầu và hệ cáp văng (từ khối K1), bê tông nhựa, hệ thống chiếu sáng, lan can, dải phân cách, hệ thống thoát nước cầu chính. Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung, Gói thầu J3-1 có giá trị 859,741 tỷ đồng. Dự toán gói thầu được duyệt là 683,994 tỷ đồng. “Dự kiến, thủ tục lựa chọn nhà thầu sẽ hoàn thành để khởi công trong quý II/2024, và hoàn thành vào quý III/2025”, ông Quang nhấn mạnh.

Việc tổ chức mời thầu Gói thầu J3-1 có vai trò then chốt với toàn Dự án. Bởi đối với các gói thầu sử dụng vốn JICA, Hiệp định vay JICA lần 2 (31,328 tỷ yên) có hiệu lực đến ngày 17/7/2024. VEC đang thực hiện thủ tục gia hạn đến ngày 31/12/2025. Ngoài Gói thầu J3, Gói thầu J2 hiện đã hoàn thành, Gói thầu J1 đã triển khai đốt K1 nhịp cầu chính của cầu dây văng Bình Khánh và tiếp tục triển khai đốt K2 cũng như các hạng mục còn lại của cầu dẫn.

Đại diện VEC chia sẻ, Chủ đầu tư sẽ đề xuất hủy thầu Gói thầu J3-1 để có phương án khả thi hơn trong việc lựa chọn nhà thầu. Việc gia hạn sẽ kéo dài thời gian mà khả năng vẫn không có nhà thầu tham dự.

Ông Phạm Hồng Quang cho biết, đến thời điểm này, tổng giá trị sản lượng các gói thầu đã triển khai thi công đạt khoảng 80% giá trị xây lắp điều chỉnh của Dự án. Trong đó, với đoạn phía Tây sử dụng vốn vay ADB, gói thầu A2-1 và A3 đã hoàn thành và đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu, bàn giao. Nhà thầu đã bắt đầu triển khai thi công khối lượng công việc còn lại của Gói thầu A1. Gói thầu A2-2 và A4 đã phát hành hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà thầu thi công khối lượng còn lại.

“VEC đang quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án và nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật lực; dồn sức đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, quyết tâm phấn đấu đưa một phần tuyến vào khai thác trước tháng 10/2024 và thông xe toàn tuyến trong năm 2025”, đại diện VEC khẳng định.

Chuyên đề