Gói thầu EPC 3.300 tỷ đồng Dự án Nhiệt điện Na Dương II: Cơ hội mở cho nhà thầu có năng lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Điện lực TKV vừa tổ chức hội nghị tiền đấu thầu Gói thầu số 28 Gói thầu EPC nhà máy chính Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II với sự tham dự của nhiều nhà thầu trong nước và quốc tế. Hội nghị tiền đấu thầu được tổ chức với mong muốn làm rõ các vấn đề liên quan đến hồ sơ mời thầu (HSMT), hỗ trợ nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) tốt nhất; qua đó, lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo ông Bùi Minh Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TKV, tiến độ thực hiện Dự án rất gấp, bởi theo kế hoạch, hợp đồng Gói thầu EPC được ký kết trong năm nay; đến năm 2026 sẽ đưa Nhà máy vào vận hành. Vì thế, Chủ đầu tư khó có thể gia hạn thêm thời gian mời thầu. Ông Tân nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều, các nhà thầu cần tập trung nghiên cứu kỹ HSMT, bảo đảm việc chuẩn bị HSDT tốt nhất.

Trước đó, tại văn bản thông báo gửi các nhà thầu ngày 7/8/2023, Tổng công ty Điện lực TKV cho biết, chỉ gia hạn thời điểm đóng thầu tới ngày 22/9/2023 và không gia hạn thêm nữa.

Dự án Nhà máy Nhiệt Điện Na Dương II do Tổng công ty Điện lực TKV làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu có tổng mức đầu tư 4.088,928 tỷ đồng. Dự án có 36 gói thầu, trong đó, Gói thầu số 28 có giá 3.314,941 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 30 tháng, loại hợp đồng trọn gói. Đây là lần thứ 3, Chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu này.

Tại Hội nghị, đại diện một số nhà thầu quan tâm đề nghị Chủ đầu tư làm rõ các vấn đề như: nhà thầu chào phương án kỹ thuật có thể khác yêu cầu HSMT nhưng đề xuất được phương án tối ưu hơn và không vượt giá gói thầu có đáp ứng không?; kích thước than sử dụng cho Nhà máy ra sao?; đề xuất thay đổi kích thước liên quan thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC)...

Làm rõ yêu cầu của nhà thầu, đại diện Chủ đầu tư cho biết, nhà thầu có thể đưa ra phương án kỹ thuật khác tối ưu hơn nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu. Khi đánh giá, tổ chuyên gia sẽ so sánh các phương án kỹ thuật trên cơ sở đưa về cùng mặt bằng để xác định giá đánh giá. Nhà thầu nào có phương án tốt nhất sẽ được giá đánh giá tốt nhất. “Chúng tôi không đánh giá nhà thầu một cách cảm tính, không có cơ sở”, ông Tân nhấn mạnh. Về giá gói thầu, Chủ đầu tư không điều chỉnh giá gói thầu.

Để chuẩn bị HSDT tốt nhất, Chủ đầu tư lưu ý 2 vấn đề nhà thầu cần quan tâm. Trước hết, liên quan đến chất lượng than cho Nhà máy. Theo ông Tân, than cung cấp cho Nhà máy có lượng lưu huỳnh hơn 6%, có thể nhiều nhà thầu chưa lường hết được tính chất của than. “Đề nghị các nhà thầu nghiên cứu kỹ lưỡng tính chất của than để đưa ra phương án chào thầu nhằm bảo đảm được yêu cầu kỹ thuật, kinh tế cũng như môi trường tối ưu nhất cho gói thầu này”, Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TKV lưu ý.

Thứ hai là tính chất an toàn của Dự án. Theo ông Tân, có một số đề nghị làm rõ về việc bố trí lại mặt bằng Dự án, do đó, Chủ đầu tư cũng có lưu ý thêm với nhà thầu. Cụ thể, mặt bằng Nhà máy được xây dựng gần bờ trụ của mỏ than Na Dương, yêu cầu phải bảo đảm an toàn, do đó, những vị trí liên quan đến lò hơi, nhà máy chính..., đề nghị nhà thầu không thay đổi, nghiên cứu kỹ yêu cầu của HSMT. “Nếu xét về mặt kỹ thuật, vị trí bố trí như nêu trong HSMT có thể chưa tối ưu nhất nhưng bảo đảm an toàn hàng đầu. Vì vậy, đề nghị các nhà thầu cần nghiên cứu kỹ yêu cầu này trong HSMT để bảo đảm an toàn bờ trụ của mỏ than Na Dương”, ông Tân bổ sung.

Về phía Chủ đầu tư, Tổng công ty Điện lực TKV cam kết tổ chức đánh giá HSDT công bằng, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực. Tất cả tiêu chí đưa ra trong HSMT đều bảo đảm công bằng, minh bạch cho các nhà thầu tham dự, không có chuyện tiêu chí có lợi cho nhà thầu này nhưng bất lợi cho nhà thầu kia.

Chuyên đề