Gói thầu đo đạc bản đồ địa chính tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai): Tìm đâu nhân sự đủ tiêu chuẩn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được mời thầu lần đầu vào tháng 12/2023 song phải hủy thầu do vấn đề liên quan đến năng lực của nhà thầu trúng thầu, mới đây, Gói thầu Xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) được mời thầu lại.
HSMT có một số yếu tố bất cập, trong đó nổi bật là tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt cao hơn yêu cầu của Gói thầu, đồng thời mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
HSMT có một số yếu tố bất cập, trong đó nổi bật là tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt cao hơn yêu cầu của Gói thầu, đồng thời mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngay sau đó, nhiều nhà thầu đã đề nghị làm rõ, kiến nghị về các tiêu chí được cho là bất cập tại hồ sơ mời thầu (HSMT).

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 30,064 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 27/2 - 29/3/2024, do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng làm Bên mời thầu, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Dương Hoàng tư vấn lập HSMT, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Thái Hưng Vượng thẩm định HSMT.

Sau khi phát hành HSMT, một số nhà thầu liên tiếp có văn bản đề nghị làm rõ, kiến nghị, cho rằng HSMT có một số yếu tố bất cập, trong đó nổi bật là tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt cao hơn yêu cầu của Gói thầu, đồng thời mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, trong lần đấu thầu lại này, thay vì chỉ quy định 4 vị trí nhân sự chủ chốt như trước đó, HSMT yêu cầu tới 10 vị trí (tương ứng với số lượng 34 người), đều phải có “chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ” do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Trong số các vị trí được thêm mới, Nhà thầu cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ đối với trưởng nhóm phụ trách kỹ thuật kê khai đăng ký đất đai hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), trưởng nhóm phụ trách kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính/quản lý đất đai là không có cơ sở. Bởi đối với nhân sự phụ trách kỹ thuật kê khai đăng ký, hiện chưa có tổ chức nào thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng chỉ hành nghề. Còn nhân sự phụ trách kỹ thuật xây dựng CSDL địa chính/quản lý đất đai do Tổng cục Quản lý đất đai cấp chứng chỉ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai/địa chính, không cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đo đạc và Bản đồ, chứng chỉ hành nghề chỉ bắt buộc đối với cá nhân hành nghề đo đạc bản đồ độc lập, nghĩa là cá nhân hành nghề đo đạc bản đồ nhưng hiện không hoạt động trong một cơ quan, tổ chức nào. Đối với các cá nhân có bằng cấp chuyên môn được đào tạo phù hợp, đang hoạt động trong đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện và tổ chức này đã được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đang còn hiệu lực, thì không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ. “Việc yêu cầu đồng thời chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ đối với tổ chức tham dự thầu và yêu cầu đối với từng cá nhân như tại HSMT là bất khả thi với các nhà thầu, gây ra hạn chế cạnh tranh”, một nhà thầu khẳng định.

Phúc đáp các nhà thầu, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng nhấn mạnh, lĩnh vực đo đạc bản đồ là lĩnh vực kỹ thuật cao, chuyên môn sâu, ứng dụng công nghệ cao và đòi hỏi độ chính xác cao. Vì vậy, việc bổ sung yêu cầu về chứng chỉ hành nghề đối với từng vị trí tham gia Gói thầu nhằm chứng minh trình độ chuyên môn, khả năng thực hiện công việc của các nhân sự, đảm bảo chất lượng và tiến độ Gói thầu, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, tại một số gói thầu có tính chất tương tự gói thầu nêu trên, các bên mời thầu chỉ quy định về trình độ, chuyên ngành và kinh nghiệm tương tự của nhân sự chủ chốt, mà không yêu cầu chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ đối với cá nhân. Đơn cử, Gói thầu Đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng (116 tỷ đồng); Gói thầu Xây dựng lưới địa chính, đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ 4 công ty lâm nghiệp trả về địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái (31,092 tỷ đồng)...

Một chuyên gia đấu thầu nhìn nhận, do pháp luật chuyên ngành chỉ quy định bắt buộc về chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân hoạt động độc lập, nên tiêu chuẩn này áp dụng đánh giá nhà thầu là cá nhân dự thầu (nếu có) với tư cách chuyên gia tư vấn. Việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp nhân sự thuộc tổ chức tham dự thầu là nằm ngoài phạm vi quy định của pháp luật chuyên ngành, đồng thời không phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu.

Tại lần mời thầu trước đó vào tháng 12/2023, Gói thầu liên tục bị nhà thầu kiến nghị lược bỏ chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ đối với các vị trí nhân sự chủ chốt trong HSMT. Bên cạnh phản ánh về tiêu chuẩn nhân sự, một số nhà thầu chỉ ra các dạng “giấy phép con” xuất hiện trong HSMT (đánh giá theo phương pháp đạt/không đạt) như: giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2005 về hoạt động đo đạc bản đồ địa chính; bản quyền phần mềm xử lý số liệu đo đạc bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính...

Kết quả, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Đo đạc, Xây dựng và Tài nguyên môi trường Việt Nam - Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Miền Nam, với giá trúng thầu 29,746 tỷ đồng. Ngày 12/1/2024, Chủ đầu tư có quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà thầu, do giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của Công ty TNHH Đo đạc, Xây dựng và Tài nguyên môi trường Việt Nam (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) hết hiệu lực (cấp ngày 18/12/2018, có giá trị đến ngày 18/12/2023). Nhà thầu bị kết luận vi phạm điểm c khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 do có hành vi cung cấp tài liệu không trung thực trong hồ sơ dự thầu.

Chuyên đề