Nhà thầu cho rằng, bên mời thầu đã vi phạm quy định về quy trình bảo mật hồ sơ tại Điểm đ, Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Ảnh: Đức Quang |
Theo đó, chữ ký của đại diện Công ty CP Mỹ nghệ nội thất Nam Hà (Nhà thầu Nam Hà) trong các biên bản mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) và hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) đã gần như trở thành “vũ khí” của bên mời thầu chống lại nhà thầu này.
Nhà thầu nói không, bên mời thầu bảo có
Như Báo Đấu thầu đã thông tin trên các số báo ra ngày 15 và 18/7, Nhà thầu Nam Hà cho biết, đơn vị này có tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên. Đây là gói thầu lựa chọn nhà thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Sau khi đóng thầu, bên mời thầu có mời đại diện các nhà thầu kiểm tra niêm phong và ký xác nhận lên túi HSĐXTC của mình, chứ không phải là ký niêm phong vào một túi hồ sơ riêng biệt trong đó có đựng các túi HSĐXTC của tất cả các nhà thầu tham dự. Nhà thầu Nam Hà cho rằng, điều này đã vi phạm quy định tại Điểm đ, Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo Văn bản của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị tư vấn đấu thầu (Công ty CP Tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn), chủ đầu tư (Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng đại diện các nhà thầu đã tiến hành mở HSĐXKT như tại biên bản ngày 17/5/2016. HSĐXTC của từng nhà thầu được mời kiểm tra, xác nhận còn nguyên niêm phong (mỗi nhà thầu xác nhận trên túi hồ sơ của mình), sau đó, HSĐXTC của các nhà thầu được Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu niêm phong cùng vào một thùng hồ sơ và lưu giữ chế độ mật tại Văn phòng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định: “Thủ tục ký xác nhận và niêm phong tuân thủ quy định tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 26 Nghị định 63/2014/NĐ-CP”.
Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn cho rằng, theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2015/TT-BKH ngày 16/6/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa và nội dung HSMT tại Điểm đ, Mục 32.2 quy định: “Bên mời thầu và các nhà thầu tham dự mở HSĐXKT thống nhất cách niêm phong túi hồ sơ bên ngoài đề “HSĐXTC”, “HSĐXTC sửa đổi”, “HSĐXTC thay thế”; các niêm phong do bên mời thầu và các nhà thầu thống nhất. Sau khi niêm phong, bên mời thầu có trách nhiệm bảo quản các túi hồ sơ nêu trên theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi mở HSĐXTC theo quy định tại Mục 34 CDNT”. Khi mở túi HSĐXTC, Mục 34.2 quy định: “Tại lễ mở HSĐXTC, Bên mời thầu công khai văn bản phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, sau đó tiến hành kiểm tra niêm phong của túi hồ sơ bên ngoài đề “HSĐXTC””.
Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định: “Vào ngày 16/6/2016, khi mở HSĐXTC, từng nhà thầu cũng được mời kiểm tra lại (niêm phong của túi hồ sơ bên ngoài đề “HSĐXTC”) và xác nhận hồ sơ của mình còn nguyên niêm phong. Do đó, nghi vấn của Nhà thầu Nam Hà về việc không bảo mật HSĐXTC là không có cơ sở. Cơ sở pháp lý và tài liệu chứng minh “cách niêm phong do bên mời thầu và các nhà thầu thống nhất” được thể hiện bằng văn bản là hai biên bản mở HSĐXKT và HSĐXTC. Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: “Trong quá trình mở HSĐXKT và HSĐXTC, đại diện các nhà thầu tham dự không có ý kiến nào khác, đã thống nhất ký tên vào biên bản, làm cơ sở tiến hành các bước tiếp theo trong lựa chọn nhà thầu”.
Cần “lên tiếng” đúng thời điểm
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều đơn vị tư vấn đấu thầu cho biết họ theo dõi rất kỹ những thông tin về việc tổ chức đấu thầu của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại gói thầu nêu trên. “Ngay từ đầu chúng tôi có nhận định rằng trong gói thầu này, thiệt thòi đầu tiên và lớn nhất chính là nhà thầu đứng đơn kiến nghị. Họ yếu thế về bằng chứng vì đã không có ý kiến ngay từ đầu – thời điểm lập biên bản, trong buổi mở HSĐXKT, HSĐXTC. Nhà thầu phải lập tức “lên tiếng” ngay tại thời điểm đó và thể hiện bằng nhiều hình thức như: Bảo lưu quan điểm vào biên bản đóng, mở thầu, không ký để thông qua các biên bản” - một công ty tư vấn đấu thầu tại TP.HCM nhận xét.
Theo ý kiến của một số đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp, trường hợp nêu trên như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà thầu, bên mời thầu đã và đang tham gia đấu thầu. “Chúng tôi cho rằng, những thủ tục đóng, mở thầu hiện nay đều diễn ra công khai. Các bên tham gia đều được phép quay phim, chụp ảnh để có những bằng chứng cụ thể. Và quan trọng nhất, nếu nhà thầu chưa thống nhất với một số quy trình, nội dung mà bên mời thầu công bố, thực hiện, nhà thầu hoàn toàn có quyền không chấp nhận thông qua biên bản, bảo lưu quan điểm trong biên bản để có cơ sở tiến hành những bước kiến nghị làm rõ tiếp theo. Đây là cách bảo vệ quyền lợi của nhà thầu hiệu quả nhất trong mọi trường hợp” - đại diện Công ty CP Tư vấn và Đào tạo đấu thầu Đại Nam bình luận.