Gói thầu dịch vụ vệ sinh tại Bệnh viện huyện Nhà Bè: Xem nhẹ đề nghị sửa tiêu chí hạn chế nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Dịch vụ vệ sinh tại Bệnh viện huyện Nhà Bè (TP.HCM) vừa phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đã nhận được nhiều đề nghị làm rõ và sửa đổi HSMT vì có nội dung được cho là hạn chế nhà thầu. Tuy nhiên, Bên mời thầu bỏ qua đề nghị của nhà thầu và vẫn tiến hành mở thầu vì cho rằng Gói thầu không sử dụng vốn nhà nước.
Gói thầu Dịch vụ vệ sinh tại Bệnh viện huyện Nhà Bè (TP.HCM) bị phản ánh đưa ra những yêu cầu không đúng quy định dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu Dịch vụ vệ sinh tại Bệnh viện huyện Nhà Bè (TP.HCM) bị phản ánh đưa ra những yêu cầu không đúng quy định dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu trên có giá 1,659 tỷ đồng, được phát hành HSMT từ ngày 27/10 - 2/11/2023. Theo đề nghị làm rõ và sửa đổi HSMT được gửi đến Bên mời thầu, các nhà thầu cho rằng, HSMT đưa ra những yêu cầu không đúng quy định dẫn đến hạn chế nhà thầu.

Cụ thể, HSMT yêu cầu nhân sự đề xuất của nhà thầu phải đang có hợp đồng lao động còn hiệu lực. Đặc biệt, yêu cầu “nhân viên vệ sinh đã được tiêm chủng từ 4 mũi vắc xin Covid-19 trở lên có giấy xác nhận”, theo các nhà thầu là chưa thoả đáng, vì đây không phải là yêu cầu bắt buộc trong kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn lao động. Quy định này chỉ phù hợp với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cần quản lý khẩn cấp.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cho rằng, việc HSMT yêu cầu nhà thầu phải có các giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 45001-2018, thực hành tốt 5S là không đúng quy định, vì hệ thống pháp luật chuyên ngành của ngành y tế không yêu cầu bắt buộc. Mặt khác, giấy chứng nhận thực hành tốt 5S ở cơ sở này không thể chứng minh có thể thực hiện tốt ở cơ sở khác vì đặc điểm mỗi nơi một khác.

Về hợp đồng tương tự, các nhà thầu cho rằng, HSMT đưa ra giá trị hợp đồng tương tự ở mức cao, hơn 90% giá của gói thầu, trong khi thông thường khoảng 50% và thời gian quá ngắn, từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm đóng thầu, trong khi thông thường là từ 3 - 5 năm đến thời điểm đóng thầu.

Sau khi tiếp nhận các phản ánh nêu trên, Bên mời thầu đã điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng tương tự xuống mức tương đương 50% giá gói thầu đang xét và tăng thời gian thực hiện hợp đồng tương tự thêm 1 năm (từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm đóng thầu). Tuy nhiên, yêu cầu về nhân sự, các giấy chứng nhận… không được Bên mời thầu điều chỉnh. Bên mời thầu nhấn mạnh, đây là gói thầu dịch vụ vệ sinh không sử dụng vốn nhà nước mà sử dụng nguồn kinh phí từ hoạt động khám chữa bệnh nên không áp dụng Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Liên quan đến yêu cầu nhân viên vệ sinh đã được tiêm chủng 4 mũi vắc xin Covid-19 trở lên, Ths. Bùi Vũ Bình - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định, hiện không bắt buộc người lao động làm việc trong bệnh viện phải tiêm đủ 4 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Quyết định số 2609/QĐ-BYT nêu rõ, kể từ ngày 20/6/2023, việc phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý Covid-19 như hầu hết các bệnh truyền nhiễm nhóm B khác...

Đối với ý kiến cho rằng gói thầu dịch vụ phi tư vấn này sử dụng nguồn kinh phí từ hoạt động khám chữa bệnh không phải là vốn nhà nước, theo một số chuyên gia, cách hiểu như vậy là không đúng. Bệnh viện huyện Nhà Bè là bệnh viện công lập, có thể được giao tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (hay còn gọi là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động - hình thức tự chủ cao nhất theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và khoản 1 Thông tư số 71/2006/TT-BTC), tức là không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Song, cho dù bệnh viện công lập được giao tự chủ thì vẫn phải đảm bảo việc chi tiêu theo quy định của Nhà nước, không thể tuỳ tiện sử dụng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, “tài sản được hình thành từ nguồn Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn tài chính hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công là tài sản, vốn của Nhà nước”. Như vậy, mọi nguồn thu hợp pháp của bệnh viện công lập đều được xem là vốn nhà nước, nên phải được thực hiện theo quy trình lựa chọn nhà thầu của Luật Đấu thầu (điểm d khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu) và phải được Kho bạc Nhà nước kiểm duyệt (Thông tư số 58/2016/TT-BTC).

Chuyên đề