Hồ sơ mời thầu yêu cầu, trong các hợp đồng tương tự phải có ít nhất 1 hợp đồng có tính chất bảo vệ một trong các nhà máy thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng. Ảnh: Huy Lương |
Tại đơn kiến nghị, nhà thầu cho biết, mặc dù nội dung yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự trong HSMT đã được Chủ đầu tư sửa đổi sau khi có văn bản phản ánh “cài cắm” điều kiện hạn chế cạnh tranh, nhưng việc sửa đổi không thỏa đáng. Nội dung yêu cầu vẫn vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, triệt tiêu tính cạnh tranh.
Cụ thể, phần năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện hợp đồng tương tự yêu cầu: “Trong các hợp đồng tương tự phải có ít nhất 1 hợp đồng có tính chất bảo vệ (hoặc có phần việc bảo vệ) một trong các nhà máy thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng theo Quyết định số 2012/QĐ-TTg ngày 24/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ”. Nhận thấy đây là tiêu chí hạn chế cạnh tranh, vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu nên nhà thầu đã có văn bản kiến nghị Chủ đầu tư làm rõ nội dung này nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu có cơ hội tham gia.
Gói thầu Thuê dịch vụ bảo vệ 2022 có giá gói thầu 1,593 tỷ đồng, thuộc Dự toán các gói thầu dịch vụ thuê ngoài năm 2022. Nguồn vốn thực hiện từ chi phí sản xuất kinh doanh năm 2022 do EVN cấp. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Theo Biên bản mở thầu, có 2 nhà thầu tham dự: Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Tập đoàn Võ Đường Ngọc Hoà có giá dự thầu 1,17 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ chuyên nghiệp miền Bắc có giá dự thầu 1,591 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, từ năm 2017 đến nay, Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Tập đoàn Võ Đường Ngọc Hoà liên tục trúng các gói thầu thuê dịch vụ bảo vệ cho Thủy điện Tuyên Quang.
Ngày 7/12/2021, Chủ đầu tư đã có văn bản làm rõ HSMT, cho biết yêu cầu về nội dung này trong HSMT đã được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi đáp ứng: “…hoặc một trong các nhà máy điện có công suất từ 300 MW trở lên”.
Tuy nhiên, theo các nhà thầu kiến nghị, cách sửa như vậy về cơ bản vẫn hạn chế sự tham dự của nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng để hướng tới một nhà thầu đã xác định. Đến thời điểm đóng thầu, HSMT vẫn giữ nguyên yêu cầu trên.
Lý giải về tiêu chí này, ông Dương Thanh Tuyên, Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang cho biết: “Đây là tiêu chí quan trọng nhằm lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, bởi Thủy điện Tuyên Quang là một trong những nhà máy điện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng theo Quyết định số 2012/QĐ-TTg”.
Theo ông Tuyên, Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang là một trong 6 nhà máy thủy điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là công trình trọng điểm kinh tế quốc gia nên HSMT bắt buộc phải có tiêu chí này. “Thậm chí, ở một số nhà máy điện trọng điểm liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, cơ quan an ninh (thuộc Bộ Công an) sẽ đứng ra bảo vệ, tư nhân không được tham gia”, ông Tuyên lập luận.
Đại diện Bên mời thầu khẳng định, tiêu chí về hợp đồng tương tự nói trên không cao với gói thầu này.
Về tình huống này, một chuyên gia đấu thầu nhìn nhận, theo các thông tin công bố, Thủy điện Tuyên Quang là một trong những công trình trọng điểm. Song nếu xét về quy mô công suất thì công suất của nhà máy này nhỏ hơn nhiều so với các nhà máy thủy điện khác như: Hòa Bình, Lai Châu… Vì thế, HSMT ở những công trình đặc thù thế này cần được xem xét, tính toán sự phù hợp nhằm vừa đảm bảo tính chất đặc thù nhưng cũng không hạn chế cạnh tranh.