Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 05 thuộc Dự án Đầu tư phục vụ sản xuất năm 2019. Ảnh: Tường Lâm |
Gói thầu nêu trên có giá gói thầu là 2,271 tỷ đồng. Công ty TNHH Phong Lê trúng thầu với giá 2,25 tỷ đồng, giảm 21 triệu đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm chưa đến 1%.
Gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng. Có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (E-HSDT). Giá dự thầu của Phong Lê đúng bằng giá trúng thầu. Còn giá dự thầu của nhà thầu còn lại - Công ty TNHH Công nghệ CAD/CAM Việt Nam (gọi tắt là CAD/CAM) là 1,871 tỷ đồng.
CAD/CAM bị loại vì không đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm. Cụ thể, theo báo cáo đánh giá E-HSDT, Nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về nhân sự chủ chốt. Nhà thầu kê khai trong E-HSDT theo các mẫu số 11a, 11b, 11c trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và hợp đồng lao động của nhân sự chủ chốt là: “Ông: Tạ Quang Kỳ”. Tuy nhiên, thông tin trong văn bằng chuyên môn được Nhà thầu đính kèm là tài liệu chứng minh lại tên là: “Ông: Tạ Quang Ky”.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, CAD/CAM được công bố trúng 14 gói thầu, chủ yếu do một số Trường Đại học Công nghiệp tại một số tỉnh, một số đơn vị quốc phòng mời thầu.
Cùng khoảng thời gian này, Phong Lê được công bố trúng 19 gói thầu, rất nhiều gói tại Quảng Ninh và do các đơn vị thuộc Vinacomin là chủ đầu tư. Trong đó, chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, Phong Lê liên tiếp trúng 3 gói thầu tại Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin, trong đó có 2 gói chỉ định thầu.
Cán bộ trên cho rằng việc giải thích của Nhà thầu chỉ là cam kết của đơn vị, không có cơ sở pháp lý phù hợp để Tổ chuyên gia đấu thầu xem xét, đánh giá. Do vậy, Tổ chuyên gia thống nhất không có cơ sở để đánh giá nội dung này theo các quy định hiện hành.
Không phục lý do bị loại này, CAD/CAM đã đề nghị hủy kết quả lựa chọn nhà thầu.
Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia: Đối với các nội dung về năng lực và kinh nghiệm, việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh. Trường hợp phát hiện nhà thầu kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị coi là có hành vi gian lận quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu và sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải nộp các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin kê khai trong E-HSDT.
Với trường hợp của gói thầu nêu trên, chuyên gia này cho rằng, ở bước đánh giá năng lực và kinh nghiệm, Bên mời thầu không nên loại nhà thầu ngay mà vẫn tiếp tục xem xét đánh giá dựa trên thông tin kê khai trong E-HSDT, nếu nhà thầu được xếp hạng thứ nhất thì trong quá trình thương thảo hợp đồng sẽ yêu cầu nhà thầu cung cấp các tài liệu chứng minh.