Gói thầu PTV 01 có dự toán 16,516 tỷ đồng, do Công ty CP Cảng Hải Phòng mời thầu. Ảnh: TS |
Dự toán Gói thầu PTV 01 là 16,516 tỷ đồng, vừa đóng/mở thầu ngày 23/8/2022. Trước đó, trong thời gian phát hành HSMT, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm như Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã có công văn đề nghị làm rõ, kiến nghị điều chỉnh HSMT do cho rằng tổng hợp các tiêu chí đưa ra và căn cứ dữ liệu thị trường thì chỉ có 1 nhà thầu hoặc liên danh do nhà thầu này đứng đầu mới có thể đáp ứng.
Cụ thể, đối với tiêu chí “nhà thầu phải có xếp hạng đánh giá năng lực tài chính của A.M.Best hoặc/và S&P từ B+ trở lên trong 3 năm 2019, 2020, 2021 (với nhà thầu liên danh, đánh giá theo thành viên đứng đầu liên danh), Bảo Việt và Bảo Minh dẫn quy định hiện hành về kinh doanh bảo hiểm quy định xếp hạng bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M.Best, Standard&Poor’s, Moody’s, Fitch chỉ áp dụng cho hoạt động tái bảo hiểm và các doanh nghiệp tái bảo hiểm, chưa có cơ chế bắt buộc áp dụng đối với các doanh nghiệp trực tiếp nhận bảo hiểm và các xếp hạng tài chính nói trên chỉ xuất hiện trên thị trường Việt Nam các năm gần đây, hiện tại số lượng doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thực hiện đánh giá năng lực này là rất ít. Theo Bảo Việt và Bảo Minh, với tiêu chí này chỉ có 5 nhà thầu đáp ứng được với điểm tuyệt đối là: Bảo Minh, PVI, BIC, PTI, Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO).
Bảo Việt và Bảo Minh phân tích tiếp, trong số 5 doanh nghiệp này, đến tiêu chí “dự phòng dao động lớn tính tại thời điểm 31/12/2021”, Bảo hiểm PTI (doanh nghiệp bảo hiểm lớn, đứng thứ tư về thị phần doanh thu trên toàn thị trường theo số liệu 4 tháng đầu năm 2022) cũng chỉ có mức dự phòng dao động lớn tính tại thời điểm 31/12/2021 chưa đạt 100 tỷ đồng - không thỏa mãn yêu cầu tối thiểu của tiêu chí này. Theo Bảo Minh, các giá trị đưa ra rất lớn, không phù hợp với quy mô Gói thầu và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Đến tiêu chí “tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc năm 2021” thì PVI – doanh nghiệp bảo hiểm đứng thứ hai thị trường về thị phần theo số liệu 4 tháng đầu năm 2022, cũng không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của tiêu chí này là tỷ lệ giữ lại tối thiểu 50%.
Trong 3 nhà thầu còn lại, với tiêu chí “dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tính đến thời điểm 31/12/2021”, BIC không thỏa mãn yêu cầu tối thiểu là dự phòng bồi thường trên 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, qua 4 tiêu chí này, chỉ còn lại PJICO và Bảo Minh. Tuy nhiên, theo Bảo Minh, với tiêu chí “chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu trung bình 3 năm 2019, 2020, 2021” yêu cầu ở mức rất cao thì dù là một doanh nghiệp được đánh giá cao về tài chính theo các xếp hạng quốc tế và trong nước, Bảo Minh cũng không đáp ứng được mức tối thiểu.
Tổng hợp các tiêu chí này cùng quy định với nhà thầu liên danh, đánh giá theo thành viên đứng đầu liên danh, Bảo Việt nhận định, không chỉ riêng Bảo Việt – hiện đang là nhà bảo hiểm lớn nhất thị trường, xếp số một về quy mô vốn, doanh thu, quỹ dự phòng…, mà hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm khác đều khó tiếp cận Gói thầu. Các nhà thầu có công văn làm rõ cho rằng chỉ có 1 nhà thầu hoặc nếu liên danh thì cũng phải do nhà thầu này đứng đầu liên danh mới có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Ngày 18/8/2022, Công ty CP Cảng Hải Phòng đã có công văn làm rõ HSMT gửi các nhà thầu. Công văn khá ngắn gọn, khẳng định HSMT đã được lập, thẩm định, phê duyệt và phát hành theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. HSMT theo đó vẫn được giữ nguyên.
Dựa trên tổng hợp báo cáo tài chính các năm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường hiện nay, một chuyên gia bảo hiểm cho biết các số liệu mà các nhà thầu đưa ra là có căn cứ. Còn theo một chuyên gia đấu thầu, pháp luật về đấu thầu quy định HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Đồng thời, khi đấu thầu không chỉ cần tuân thủ pháp luật về đấu thầu, mà các tiêu chí đưa ra trong HSMT cần phù hợp với pháp luật chuyên ngành.
Theo kết quả mở thầu, Gói thầu PTV01 có 2 nhà thầu tham dự, gồm Liên danh PJICO - PVI - VNI (Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không) và Liên danh Bảo Việt - Bảo Minh - BIC - BSH (Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội). Với sự tham dự của PJICO, liệu kết quả trúng thầu có như các nhà thầu dự đoán?