Gói thầu bảo hiểm: Lựa chọn nhà thầu sao cho đúng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, nhiều gói thầu bảo hiểm gặp kiến nghị của nhà thầu về hạn chế cạnh tranh ở các tiêu chí ưu tiên để xếp hạng nhà thầu trong trường hợp có từ 2 nhà thầu trở lên có giá dự thầu sau khi sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch bằng nhau và đều ở mức thấp nhất. Đối với một số lĩnh vực bảo hiểm có quy định về phí bảo hiểm tối thiểu, tình huống này thường xuyên xảy ra, dẫn đến chìa khóa đảm bảo cạnh tranh nhiều khi lại rơi vào chính các tiêu chí ưu tiên.
Gói thầu Cung cấp bảo hiểm cháy nổ tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học cơ sở Tân Kiên, Bình Chánh (TP.HCM) bị nhà thầu kiến nghị liên quan đến các tiêu chí được xét ưu tiên. Ảnh: Song Lê
Gói thầu Cung cấp bảo hiểm cháy nổ tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học cơ sở Tân Kiên, Bình Chánh (TP.HCM) bị nhà thầu kiến nghị liên quan đến các tiêu chí được xét ưu tiên. Ảnh: Song Lê

Ngày 21/10/2024, Gói thầu Cung cấp bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho các tài sản tại Bệnh viện cơ sở Tân Kiên, Bình Chánh năm 2024 tiếp tục được Bệnh viện Truyền máu Huyết học - Chủ đầu tư gia hạn thời điểm đóng thầu, từ 14 giờ ngày 21/10/2024 đến 14 giờ ngày 30/10/2024 với lý do điều chỉnh hồ sơ mời thầu (HSMT). Trước đó, Gói thầu đã 3 lần gia hạn thời điểm đóng thầu, từ thời điểm đóng thầu ban đầu là 14 giờ ngày 7/10/2024 bởi cần thời gian điều chỉnh HSMT.

Việc điều chỉnh HSMT xuất phát từ kiến nghị của nhà thầu liên quan đến các tiêu chí được xét ưu tiên tại HSMT.

Trong HSMT ban đầu, tại Mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật quy định, trong trường hợp giá dự thầu của các nhà thầu bằng nhau, xếp hạng dựa theo thứ tự ưu tiên: lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm 3 năm gần nhất của nhà thầu (2021; 2022; 2023) > 0 (trường hợp liên danh xét trên năng lực của tất cả các thành viên); nhà thầu có tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2023 lớn nhất (trường hợp liên danh, xét trên năng lực của thành viên đứng đầu liên danh); nhà thầu có số điều kiện điều khoản có lợi cho chủ đầu tư nhiều nhất. Khi xếp hạng được nhà thầu thì dừng lại, không xem xét các ưu tiên tiếp theo.

Nhà thầu kiến nghị, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật của HSMT đưa ra tiêu chí về phí bảo hiểm với yêu cầu biểu phí bảo hiểm không được thấp hơn mức phí theo quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP, như vậy phí bảo hiểm của gói thầu do các nhà thầu đưa ra sẽ gần như là bằng nhau theo quy định hiện hành. Khi phí bằng nhau, nếu căn cứ tiêu chí xét ưu tiên 1, lợi thế sẽ nghiêng về một số nhà thầu đang có lợi nhuận cao trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Như vậy là đang vô tình tạo lợi thế cho một số nhà thầu.

Tại Gói thầu số 10 Dịch vụ bảo hiểm cháy nổ do Ban Quản lý Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, vừa đóng thầu ngày 17/10/2024, nhà thầu cũng kiến nghị về các tiêu chí xét ưu tiên nêu tại Chương III - Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật. HSMT quy định, trường hợp có từ 2 nhà thầu trở lên có giá dự thầu sau khi sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch bằng nhau và thấp nhất thì việc xếp hạng nhà thầu được tính trên cơ sở: Nhà thầu nào đáp ứng chỉ tiêu năng lực kinh nghiệm, tài chính đến 31/12/2023 cao hơn với thứ tự ưu tiên: 1. Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2023 cao hơn; 2. Quỹ dự phòng nghiệp vụ cao hơn; 3. Vốn điều lệ cao hơn.

Tình huống tương tự, tại Gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc năm 2024 - 2025 tại các trụ sở Bộ Công Thương: số 54 Hai Bà Trưng, số 23 Ngô Quyền và số 655 Phạm Văn Đồng, TP. Hà Nội đóng thầu ngày 15/10/2024, nhà thầu kiến nghị về 3 tiêu chí ưu tiên theo thứ tự: doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quỹ dự phòng nghiệp vụ, vốn chủ sở hữu của năm tài chính gần nhất.

Gói thầu Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ năm 2024, đóng thầu ngày 17/10/2024 cũng bị nhà thầu kiến nghị với lý do hạn chế cạnh tranh khi đưa ra thứ tự ưu tiên gồm: tỷ lệ biên khả năng thanh toán năm 2023 trên 150% (với liên danh thì đánh giá thành viên đứng đầu liên danh); chỉ tiêu thay đổi vốn chủ sở hữu năm 2023 cao hơn (liên danh thì đánh giá thành viên đứng đầu liên danh); tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân trong 3 năm tài chính gần nhất (2021, 2022, 2023) ≥ 5% (nhà thầu nào có tỷ suất cao hơn thì được xếp hạng cao hơn). Trong trường hợp này, nhà thầu kiến nghị chỉ ra đích danh nhà thầu sẽ được ưu tiên sau 2 tiêu chí 1 và 2.

Trong các kiến nghị, nhà thầu cho biết, theo yêu cầu kỹ thuật của HSMT quy định phí bảo hiểm, mức khấu trừ phải tuân thủ Nghị định 67/2023/NĐ-CP. Trong trường hợp giá dự thầu và mức khấu trừ không tuân thủ Nghị định 67/2023/NĐ-CP thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại, không được xem xét đánh giá. Vì vậy, các nhà thầu khi tham gia thường chào phí thấp nhất bằng nhau. Khi phí bằng nhau, nhiều nhà thầu cho rằng, những tiêu chí ưu tiên như trên gây hạn chế cạnh tranh, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu và đặt câu hỏi, căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để đưa ra các tiêu chí ưu tiên như vậy?

Về phía chủ đầu tư, trong trả lời nhà thầu, Bệnh viện Truyền máu Huyết học cho rằng, theo HSMT, nội dung “lưu ý về xếp hạng nhà thầu trong trường hợp giá dự thầu của các nhà thầu bằng nhau, bên mời thầu xếp hạng nhà thầu dựa vào cơ sở thứ tự ưu tiên sau…” không thuộc một trong các nội dung tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT, không phải là tiêu chí để đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật của HSMT mà chỉ sử dụng để xếp hạng nhà thầu sau khi đã đáp ứng tiêu chuẩn năng lực kinh nghiệm và tiêu chuẩn kỹ thuật, có mức chào phí bằng nhau. Vì vậy, nội dung này không thuộc một trong các điều kiện làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thiện HSMT gói thầu, Bệnh viện Truyền máu Huyết học vẫn quyết định sửa đổi HSMT, được bổ sung nội dung xếp hạng nhà thầu theo quy định tại khoản 18 Điều 131 về xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP vào HSMT để xếp hạng nhà thầu, sau đó, xếp hạng đến các nội dung ưu tiên theo HSMT.

Có chủ đầu tư thì lý giải, các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, tiêu chuẩn kỹ thuật và tài chính nêu trong E-HSMT không có điều khoản nào hạn chế nhà thầu. Chỉ sau khi các nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu ở các bước đánh giá về năng lực kinh nghiệm, đánh giá về kỹ thuật, đánh giá tài chính và trường hợp có từ 2 nhà thầu trở lên có giá dự thầu trừ đi giảm giá (nếu có) và sau ưu đãi (nếu có) bằng nhau mới được xem xét đánh giá theo các tiêu chí ưu tiên kể trên. Chủ đầu tư buộc phải căn cứ vào các tiêu chí ưu tiên để đánh giá, lựa chọn được nhà thầu.

Thực tế, thời gian qua, Báo Đấu thầu đã phản ánh tình trạng rất nhiều gói thầu đưa các tiêu chí thuần túy về năng lực tài chính thành tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, như vốn chủ sở hữu, doanh thu, vốn điều lệ, lợi nhuận thuần, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc, tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc trong 3 năm… Việc quy định các tiêu chí như trên tại HSMT đã được nhiều chuyên gia bảo hiểm, đấu thầu khẳng định là hạn chế sự tham gia của nhà thầu, dự kiến được bổ sung vào phụ lục hành vi hạn chế trong đấu thầu tại Thông tư sửa đổi Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT.

Tuy nhiên, trong các gói thầu kể trên và nhiều gói thầu gần đây, các tiêu chí trên được sử dụng cho việc xếp hạng nhà thầu theo thứ tự ưu tiên.

Theo một chuyên gia đấu thầu, khoản 18 Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã nêu các thứ tự ưu tiên để xử lý trong trường hợp sau khi đánh giá, có nhiều nhà thầu cùng chào giá tốt nhất, ngang nhau. Trong trường hợp áp dụng Khoản 18 Điều 131 mà vẫn không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, khoản 29 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn, khi phát sinh tình huống ngoài quy định tại các Khoản 1 đến Khoản 28 Điều 131, chủ đầu tư xem xét, quyết định xử lý tình huống trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Cũng theo chuyên gia đấu thầu, HSMT phải được xây dựng trên nguyên tắc được nêu rõ tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu, đó là HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Chuyên đề